Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Listen to this article

 GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

VẤN ĐỀ RƯỚC MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Câu hỏi:

Con có đứa bạn lấy chồng khác đạo Công Giáo. Tiếc là chồng bạn ấy không chịu theo đạo bên vợ. Trong trường hợp phép chuẩn, không biết anh ấy có được phép rước lễ không? Đâu là những điều kiện để được rước Mình Máu Thánh Chúa?

Trả lời:

Người ta thường gọi bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu. Chính Chúa Giêsu vì yêu mến con người và không muốn để con người côi cút một mình giữa dòng đời đầy hiểm nguy này, nên đã có sáng kiến thiết lập bí tích Thánh Thể trong đêm tiệc ly, trước khi bước vào cuộc thương khó (x.Mt 26,26-29). Bí tích Thánh Thể là diễn tả đầy đủ nhất cuộc hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá, khi Ngài đã tự nguyện gánh lấy mọi đau thương, trao ban sự sống và trọn vẹn chính Ngài cho nhân loại. Nơi bí tích Thánh Thể, ta nghe rõ tiếng yêu của Chúa đang thỏ thẽ với con người.

Đối với người Công Giáo, việc rước Mình Máu Thánh Chúa là điều hết sức quan trọng vì chúng ta tin rằng cùng với Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng trên hành trình tiến về Thiên Quốc. Bí tích Thánh Thể cũng là bí tích cao trọng nhất, vượt trội hơn hẳn các bí tích khác vì với các bí tích khác, chúng ta chỉ nhận ơn lành của Chúa, còn với bí tích Thánh Thể, qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở thành chính Chúa, và khi chúng ta rước lễ, chúng ta đón nhận chính Thiên Chúa vào trong lòng mình. Vì tính chất cao trọng như thế của bí tích Thánh Thể nên mỗi người phải có một sự chuẩn bị thích đáng mới có thể được lãnh nhận.

Người chồng không theo đạo Công Giáo, chỉ chịu phép chuẩn khi hôn phối thì có được rước lễ không?

Câu trả lời mà chúng tôi đưa ra ngay lập tức cho bạn là “không”. Việc rước Mình và Máu Thánh Chúa chỉ dành cho những người đã được rửa tội và không bị luật ngăn cấm (x. Giáo Luật (GL) 912). Như thế, vì anh ta “chưa được rửa tội” nên anh ta không được phép rước lễ. Ở đây, chúng ta gặp phải một vài vấn đề: thứ nhất, tại sao phải chịu bí tích Thanh Tẩy rồi mới được phép rước lễ; thứ hai, đâu là ý nghĩa của cái mà chúng ta gọi là “phép chuẩn” trong hôn nhân Công Giáo.

Bí tích Thanh Tẩy (quen gọi là phép rửa tội) là bí tích đầu tiên trong bảy bí tích. Nó là “cửa ngõ” đưa con người vào trong ngôi nhà Giáo Hội để thụ hưởng những ân sủng của Chúa; nhờ bí tích này, con người được giải thoát khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con Thiên Chúa, được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ một ấn không thể xoá nhoà và được sáp nhập vào Giáo Hội (GL 849). Thiên Chúa ban ân sủng cho con người ngang qua Giáo Hội. Các bí tích được cử hành trong Giáo Hội và qua Giáo Hội với thẩm quyền mà Thiên Chúa ban cho. Vì thế, người nào chưa trở thành con cái của Giáo Hội (nghĩa là chưa chịu Bí tích Thanh Tẩy) thì không thể lãnh nhận các bí tích khác được. Khi đã có được niềm tin qua Bí tích Thanh Tẩy nhờ quá trình chuẩn bị, người ta sẽ hiểu rõ hơn về Bánh và Rượu mà họ rước, rằng đó không còn là bánh và rượu nhưng là Mình và Máu Thánh Chúa. Ý thức được điều đó và tin chắc như vậy, người đó mới xứng đáng rước Chúa vào lòng. Nếu không, đó sẽ là một sự phạm thánh. 

Trong khi đó, phép chuẩn là phép của Đấng Bản Quyền (Giám Mục Giáo Phận) chuẩn chước cho một hôn nhân khác đạo để phía Công Giáo có thể tham gia cách đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội, và cặp đôi khác đạo này được Giáo Hội công nhận như vợ chồng. Một người theo đạo Công Giáo không được phép cưới người không Công Giáo mà không có sự chuẩn chước của Giám Mục. Nếu không, người đó sẽ phải chịu những hình phạt của Giáo Hội (x. GL 1086 và 1078). Như thế, phép chuẩn chỉ là để hợp thức hoá một hôn nhân khác đạo; một mặt, giúp cho bên Công Giáo sống đức tin của mình cách trọn vẹn; mặt khác, không cản trở họ sống đời hôn nhân với người mình yêu khi người đó vì lý do gì đấy không thể hoặc không muốn theo đạo Công Giáo.

Phép chuẩn và Bí tích Thanh Tẩy là hai vấn đề khác nhau và phép chuẩn không có tác dụng thay thế phép rửa tội. Bởi thế, dù có được phép chuẩn để kết hôn, người chưa lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, do vẫn chưa thuộc về gia đình Giáo Hội, nên không được phép rước lễ. Người đó phải xin học giáo lý, chịu Bí tích Thanh Tẩy để được tái sinh trong Thánh Thần rồi mới được rước Mình và Máu Thánh Chúa.

Đâu là những điều kiện để được rước Mình Máu Thánh Chúa?

Đã đành là phải lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy trước khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, nhưng không phải người được rửa tội nào cũng được rước lễ. Để được rước lễ, các tín hữu còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nữa. Đó là lý do vì sao các em nhỏ hay các anh chị em tân tòng phải học giáo lý đầy đủ, có thể phân biệt được sự khác nhau giữa bánh rượu và Mình Máu Thánh Chúa thì mới được xưng tội và rước lễ. Như thế, khi nào chưa có được ý thức và hiểu biết đầy đủ đúng đắn về Bí tích Thánh Thể thì chưa thể rước lễ.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp không được phép rước lễ. Đó là “những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường” (GL 915) và “người nào ý thức mình đang mắc tội trọng mà chưa nhận lãnh bí tích Sám Hối trước, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội sớm hết sức.” (GL 916).

Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của những quy định trên:

Những người bị vạ tuyệt thông là những người cắt đứt mối liên kết với Giáo Hội do vi phạm một tội nghiêm trọng theo luật định. Sự cắt đứt này làm cho người đó không được thừa hưởng ân sủng nào từ Giáo Hội. Vì thế, họ cũng không được phép rước lễ. Ngoài ra, có một số người do vi phạm điều cấm kỵ nào đó của Giáo Hội cũng bị phạt, không cho phép rước lễ.

Dĩ nhiên, không thể rước Mình Máu Thánh Chúa khi tâm hồn còn vướng bận bởi tội trọng. Tội trọng cắt đứt tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Khi người ta tỏ tường và cố ý phạm tội trọng, người ta từ chối ân nghĩa với Chúa, đi theo con đường chống lại Thiên Chúa. Khi đã phạm tội nghịch lại Thiên Chúa một cách ý thức đầy đủ, thì cũng không thể rước Chúa vào lòng được. Phạm tội và rước Chúa rõ ràng là hai hành vi hoàn toàn mâu thuẫn nhau. “Những người ngoan cố sống trong tội tỏ tường” thường là những người sống trong tình trạng rối của hôn nhân, bỏ bê đạo nghĩa, không dự lễ, không lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Hoà Giải… Để được rước lễ, người phạm tội trọng phải tỏ lòng sám hối, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi và phải đi xưng tội để được hoà giải với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Tuy nhiên, trong trường hợp người nào đó phạm tội trọng muốn lãnh nhận bí tích Hoà Giải để có thể được rước lễ nhưng lại không có linh mục ở đó hoặc vì thời gian gấp rút không kịp xưng tội (chẳng hạn, đã đến giờ cử hành thánh lễ) thì ngoại trừ trường hợp bị vạ tuyệt thông, bị cấm chế, bị hình phạt, bị rối, Giáo Hội cho phép người đó có thể đi rước lễ với điều kiện họ phải “ăn năn tội cách trọn” và hứa sẽ đi xưng tội ngay sau đó sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng không quên nhắc nhở con cái mình về bí tích cực trọng mà họ sắp lãnh nhận. Để xứng đáng đón rước Chúa, ngoài việc sạch tội trọng, Kitô hữu phải có sự chuẩn bị thích hợp để tỏ bày lòng khao khát và ước muốn lãnh nhận Mình Máu Thánh. Đó là, họ “phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, ít là khoảng một giờ trước khi rước lễ” (GL 919, §1), ngoại trừ  trường hợp “tư tế cử hành Thánh Lễ hai hoặc ba lần trong cùng một ngày có thể ăn uống chút ít trước khi cử hành Thánh Lễ lần thứ hai hay lần thứ ba, dẫu không cách quãng tới một giờ” (GL 919, §2) và “những người cao niên và bệnh tật, cũng như những người chăm sóc họ” (GL 919, §3).

Như thế, trước khi rước lễ khoảng một giờ, chúng ta phải kiêng ăn các loại thức ăn và các loại nước uống, ngoại trừ nước lã. Được phép uống nước lã vì nó không gợi lên sự thèm thuồng, khoái cảm giác quan và vì nó cần thiết cho sự tồn tại của con người. Thuốc chữa bệnh cũng không được xem là thức ăn hay thức uống vì nó là yếu tố giúp phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Vì thế, ai có nhu cầu cần uống thuốc và nước lã, có thể dùng vì sức khoẻ của bản thân mình. Cũng vì lý do tương tự như thế, những người cao niên, bệnh tật và những người chăm sóc họ cũng được miễn trừ luật giữ chay một tiếng trước khi rước lễ.

Vì nhu cầu mục vụ, các linh mục phải dâng nhiều thánh lễ trong cùng một ngày và có khi, các thánh lễ ấy gần nhau về mặt thời gian. Để các linh mục không bị kiệt sức, Giáo Hội cho phép họ có thể “ăn uống một chút” trước khi cử hành các thánh lễ sau, ngay cả khi không cách quãng một giờ. “Ăn uống một chút” có hàm ý nói đến việc “ăn lót dạ” để không quá đói và mệt, chứ không phải ăn uống thịnh soạn, linh đình.

Cuối cùng, là mẹ các tín hữu nên Giáo Hội dành rất nhiều sự quan tâm cho những người đang rơi vào tình trạng “lâm tử”. Cứ sự thường, để có thể rước lễ, một Kitô hữu phải học giáo lý đầy đủ, trải qua những kỳ kiểm tra, và thường là phải đạt đến một độ tuổi nhất định nào đấy. Nhưng nếu một em nhỏ đã rửa tội, dù chưa hoàn thành các chương trình giáo lý đòi hỏi, nhưng đã có thể phân biệt được Mình và Máu Thánh Chúa với của ăn thường, khao khát và cung kính rước Chúa, đang trong tình trạng nguy tử, thì có thể được rước lễ (x. GL 913 §2). Riêng đối với “các Kitô hữu lâm cơn nguy tử vì bất cứ lý do nào, phải được rước lễ như của ăn đàng”. Những người Kitô hữu trong cơn lâm tử, có thể rước lễ nhiều lần trong ngày và có thể rước lễ nhiều lần trong những ngày khác nhau, bao lâu cơn nguy tử còn kéo dài. (x.GL 921).

Hy vọng một vài giải thích ngắn gọn ở trên giúp bạn hiểu hơn về việc rước lễ trong Giáo Hội của chúng ta.

Bài 3: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 2: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 1: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (25.5.2021)

Trả lời