Ngày 31/5: Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth

496 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth

Lễ kính (Các nhà thờ trong thành phố Hà Nội cử hành lễ trọng)

Hôm nay kỷ niệm ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 2/7/1627 Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, S.J.) lần đầu tiên đến giảng đạo tại thành phố Hà Nội (Kẻ Chợ). Các nhà thờ trong thành phố Hà Nội cử hành lễ trọng.

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày xưa, lễ Đức Maria thăm viếng Bà Êlisabét được mừng vào ngày 2 tháng 7 trong tuần bát nhật lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, nay được chuyển vào ngày 31 tháng 5, phù hợp với việc cải cách lịch Giáo triều Rô-ma theo sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1969). Vì thế, lễ này ở trong khoảng cách ba tháng tính từ lễ Truyền tin (25 tháng 3) đến lễ sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô (24 tháng 6).

Nguồn gốc lễ này có từ thế kỷ VI. Lễ được thánh Bônaventura và Dòng Phanxicô phổ biến ở khắp Tây Phương và nhờ Đức Giáo Hoàng Boniface IX truyền bá trên toàn thể Giáo hội La tinh năm 1389. Tuy nhiên, lễ này chỉ được thực sự lan truyền ở Phương Tây sau Công đồng Bâle mà thôi (1441).

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Trong “Mầu nhiệm” Thăm Viếng, “phụng vụ gợi lại cho chúng ta hình ảnh Đức Trinh nữ Maria diễm phúc cưu mang người Con của mình, đang trên đường đến với Êlisabét để yêu thương giúp đỡ Bà cùng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, số 7).

Biến cố này đề cao Đức Maria trong cuộc thăm viếng Bà Êlisabét, nhưng hơn nữa, còn đề cao cuộc gặp gỡ giữa Đấng Mêssia – được Đức Maria cưu mang – với vị Tiền Hô của Người đang nhảy mừng trong lòng Mẹ.

b. Lời nguyện nhấn mạnh trước hết đến việc Đức Maria phục vụ người chị họ dưới sự linh ứng của Chúa. Đức Trinh nữ Maria là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38) và cũng là người đến với kẻ khác để phục vụ họ: Bà Êlisabét nói: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (Lc 1, 43)

c. Chúa Thánh Thần linh ứng cho Đức Trinh nữ Maria thăm viếng người chị họ, thì cũng chính Người lại linh ứng cho Mẹ để chúc tụng Đấng đã đoái thương nhìn tới nữ tỳ hèn mọn của Người (bài Tin Mừng Thánh lễ: Lc 1, 39 – 56)

Bài ca Ngợi khen (Magnificat) của Đức Trinh Nữ Maria là một thánh thi ca ngợi lòng tri ân riêng tư của Đức Trinh Nữ (c. 46-50) trước khi ca tụng tâm tình cảm tạ của dân Giao ước (c. 51-55). Đức Maria nói: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, kẻ đói nghèo Người ban của đầy dư … vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.

d. Trong một trích đoạn được đưa vào Các bài đọc – kinh Sách, Bède le Vénérable đã đề cao niềm vui của Đức Maria khi Thần trí Mẹ hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. “Nhờ đặc ân lạ lùng mà Mẹ được cháy lửa mến yêu thiêng liêng đối với Đấng Mẹ hoan hỉ cưu mang trong thân xác mình. Mẹ thật có lý để vui mừng một cách đặc biệt hơn các vị thánh khác trong Đức Giêsu… vì thế, trong Hội thánh có thói quen rất tốt lành là hằng ngày mọi người hát thánh thi của Đức Mẹ khi nguyện kinh chiều”.

Niềm vui của Đức Maria – là hình ảnh của Hội thánh – cũng trở nên niềm vui của toàn dân Giao ước: “Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion: Vì kìa Thiên Chúa đến ngự trong nhà ngươi…” (xướng đáp).

Enzo Lodi

Trả lời