Ngày 20/5: Thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na – Linh mục (Lễ nhớ tùy chọn)

337 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na (Linh mục)

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Bernadin sinh năm 1380, trong gia đình quí tộc của giòng họ Albizzeschi, gần Sienne, vùng Toscane. Năm 1402, lúc hai mươi hai tuổi và tốt nghiệp đại học, ngài vào Dòng Phanxicô sau một cơn bệnh trầm trọng.

Từ 1405 cho đến khi qua đời, thầy Bernadin hoạt động rất tích cực và đa dạng. Khi phục vụ Dòng, ngài chuyên tâm cải cách đời sống tu sĩ Dòng Phanxicô, đặc biệt từ 1438 đến 1442. Vào thời này, ngài được bổ nhiệm làm tổng đại diện các tu viện Phanxicô tại Ý. Ngài chuyên cần soạn thảo các tác phẩm dùng để suy niệm và tu đức như: Bàn về Kitô giáo (1427), Tin Mừng muôn thuở (1428), Các ơn thần hứng (1443)… Nhưng điều làm cho thánh Bernadin được nổi tiếng, đó là công tác rao giảng, khiến ngài trở thành “nhà thuyết giảng của thế kỷ”, kế vị thánh Vincent Ferrier (1355 -1419). Với biệt tài hùng biện và giảng thuyết bằng ngôn ngữ bình dân, ngài thu hút khắp nơi các đám đông dân chúng tại thánh đường và nơi công cộng ở các vùng Ombrie, Toscane, Vénétie, Lombardie và ngay cả ở Rôma, tại đây ngài giảng thuyết trong các khu phố bình dân. Dựa vào các giai thoại, các ngụ ngôn răn đời, các mẫu đối thoại hư cấu, ngài mạnh mẽ dẫn những thính giả đến với Thiên Chúa, đồng thời bài xích các tệ nạn đủ loại và tìm cách thuyết phục họ xác tín.

Sau khi bị nghi ngờ và tố cáo theo lạc thuyết, Thầy Bernadin phải hai lần ra hầu tòa Giáo hội Rôma (1427 và 1431). Nhưng cả hai lần ngài đều được tha bổng. Năm 1432, ngài lại nhận được từ Đức Giáo Hoàng Eugène IV sắc chỉ Toà Thánh để ban khen ngài.

Ngài qua đời hôm áp lễ Chúa Thăng thiên năm 1444, thọ sáu mươi bốn tuổi và được phong thánh sáu năm sau, tức năm 1450. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài trong trang phục Dòng Phanxicô, với ba chiếc mũ giám mục dưới chân nhằm gợi đến ba lần ngài từ khước chức vị giám mục do sự khiêm tốn. Hình ảnh thánh nhân cũng được biểu hiện với ba chữ viết tắt IHS (Iesus Hominum Salvator = Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người), nhắc đến lòng sùng kính của ngài đối với danh thánh Đức Giêsu.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Phụng Vụ mừng lễ thánh Bernadin ca ngợi đặc biệt về “lòng nhiệt thành yêu mến danh thánh Chúa Giêsu” (lời nguyện) là trọng tâm của lời ngài rao giảng. Ngài đã từng lớn tiếng: “Làm sao bạn nghĩ được rằng đức tin quá lớn lao, quá trong sáng và sốt sắng như thế, lại có thể lan truyền nhanh chóng khắp thế giới, nếu không phải vì người ta đã rao giảng về Đức Giêsu ?” Tuy nhiên, để lời công bố về thánh danh ấy được hiệu quả và nên nguồn ơn cứu độ, thì chúng ta không được rao giảng thánh danh Chúa bằng một “tâm hồn không thanh sạch hay bằng miệng lưỡi ô uế” nhưng dù là một “bình sành chọn lọc”, như thánh Tông Đồ Phaolô “quảng bá danh thánh Giêsu bằng lời nói, thư từ, phép lạ và gương sáng. Thật thế, ngài hằng ca ngợi và công khai chúc tụng danh thánh Giêsu… Quả vậy, khi thánh Phaolô mở miệng giảng cho dân thì sự vô tín bị tiêu tan, sự dối trá biến mất, chân lý ngời sáng lên” (Bài đọc – Kinh sách). Câu xướng đáp lại ghi thêm: “… Con sẽ không ngừng ca ngợi thánh danh và con sẽ hát lên bài ca cảm tạ thánh danh Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, Người là đấng duy nhất cứu độ con.”

b. Bài Tin Mừng Thánh lễ (Mc 3,31-35; xem Lc 8,19-21) nhắc chúng ta rằng gia đình đích thật của Đức Giêsu gồm những ai biết lắng nghe lời Thiên Chúa và – như Đức Maria – đem ra thực hành. Như thế, bài Tin Mừng còn gợi một chủ đề khác trong lời rao giảng của thánh Bernadin: đó là việc suy niệm lời Chúa mà ngài diễn tả bằng một ngôn ngữ đầy hình ảnh như: “Anh em bắt chước con bò khi đi ăn ở đồng cỏ về. Nó nhai đi, nhai lại và động tác này xem ra đối với nó còn hữu hiệu hơn là ăn cỏ. Anh em hãy ngẫm đi ngẫm lại lời Chúa, để việc suy ngẫm liên tục này đem lại hiệu quả cho anh em hơn là chỉ nghe suông”.

c. Bernadin sống trong một thế kỷ đầy chiến tranh, xung đột và phân rẽ. Nên vị thánh thành Sienne này đã rao giảng về lòng nhân lành của Thiên Chúa và về sự bao dung để tái lập hòa bình. “Ôi lòng nhân lành của Chúa thật bao la ! Nó kêu gọi mọi người. Đức Giêsu mời gọi cả người công chính lẫn kẻ tội lỗi, người thanh sạch lẫn kẻ tội nhơ và tất cả mọi người ! … Thiên Chúa, Đấng mà anh em xúc phạm do bởi các mối bất hòa của anh em đã sai phái tôi đến với anh em, như vị Thiên sứ của Người, để loan báo ơn bình an cho mọi người thiện chí thiện tâm”.

Enzo Lodi

Trả lời