Thánh Martinô giám mục đã thiết lập cộng đoàn Marmoutier là Đan Viện đầu tiên ở Tây Phương. Nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống ‘đan tu cộng tu’ ở Tây Phương là thánh Biển Đức.
60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA “TU TRÀO ĐAN TU’’ TẠI VIỆT NAM
Biên soạn: Ban truyền thông của Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn
WHĐ (17.5.2021) – Đặc nét của đời sống đan tu: Đó là một cuộc sống khổ chế, biệt thế qua ‘luật nội vi’, ham thích cầu nguyện và lao động (Ora et Labora).
PHẦN THỨ NHẤT: LƯỢC SỬ “TU TRÀO ĐAN TU”
Từ thời Cựu Ước, người ta đã thấy xuất hiện những hình thức ‘tu trì’ của một số cá nhân với lối sống cô tịch trong sa mạc và có lời khấn ‘Nazir’ (x. Ds 6,1-21). Cuộc sống của thủ lãnh Samson (x. Tl 13) và tiên tri Êlia (x. 1V 19,8-18) là những hình mẫu điển hình.
Đến thời Tân Ước, người ta cũng thấy một số cá nhân hoặc các nhóm nhỏ sống chung trong cô tịch và chay tịnh nghiêm ngặt để mong đợi Đấng Mêsia. Nhóm Esseni là một điển hình.
Theo dòng thời gian, đặc biệt ở Đông Phương (thế kỷ III) và ở Tây Phương (thế kỷ IV), một số Kitô hữu có khát vọng muốn sống triệt để Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng cuộc sống xa lánh trần thế, ẩn mình trong sa mạc để được chuyên chăm cầu nguyện và tự nguyện sống khổ chế hy sinh. Hình thức tu trì này chính là khởi nguồn của các ‘Tu trào đan tu’ trong Hội Thánh.
Thánh Pacômiô (286-346) là người đầu tiên viết Tu Luật cho đời đan tu Kitô giáo. Thánh Basiliô (329-379) đã soạn thảo Bản Tu Luật quy định thời gian biểu cho việc lao động và cầu nguyện, cùng các việc hy sinh hãm mình và việc tổ chức đời sống cộng đoàn. Bản Tu Luật này có ảnh hưởng sâu rộng nơi các đan sĩ Đông và Tây Phương.
Thánh Martinô giám mục đã thiết lập cộng đoàn Marmoutier là Đan Viện đầu tiên ở Tây Phương. Nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống ‘đan tu cộng tu’ ở Tây Phương là thánh Biển Đức.
I. Lược sử dòng Biển Đức tại Việt Nam
Thánh Biển Đức sinh tại Italia (480-547). Lên 12 tuổi, Biển Đức được gởi tới Rôma để theo học văn chương nhưng đã sớm nhận ra tiếng Chúa gọi sống đời đan tu. Năm 17 tuổi, từ bỏ sức hấp dẫn của khoa văn chương và khối tài sản của cha mẹ để lại, ngài trốn khỏi Rôma và lui vào thung lũng Aniene gần Eufide để học Giáo phụ và Thánh Kinh.
Theo tiếng gọi nội tâm, Biển Đức đi vào Subiacô. Tại đây, ngài gặp đan sĩ Rômanô và được đan sĩ này dẫn vào một hang đá thuộc vùng núi Taleô. Biển Đức đã sống tại đó trong khoảng ba năm và mỗi ngày được đan sĩ Rômanô mang bánh và nước đến tiếp tế cho.
Với kinh nghiệm sống ẩn tu như thế, ngài được mời đến hướng dẫn thiêng liêng cho nhóm đan sĩ của đan viện gần Vi Cravo và được họ đề nghị làm Bề Trên của họ. Chẳng bao lâu, nhân đức và danh tiếng của ngài đã thu hút nhiều người tìm đến nghe ngài giáo huấn. Nhưng tiếc thay, đó cũng là nguyên nhân khiến cho một số đan sĩ ghen tị. Đàng khác, một số trong họ không đồng thuận với cách sống khắc khổ và có phần nhiệm nhặt của ngài nên đã tìm cách đầu độc ngài. Qua sự việc này, Biển Đức thấy đây là dịp thuận lợi để từ giã họ mà trở về lại hang Subiacô và tiếp tục sống ở đó thêm khoảng 30 năm nữa. Tại Subiacô, ngài lập được 13 đan viện. Mỗi đan viện có 12 đan sĩ và một Viện Phụ, nhưng tất cả đều nhận sự hướng dẫn thiêng liêng của ngài.
Thấy những thành công đó, một linh mục trong vùng Lorentio đã bỏ chất độc vào bánh mì để hãm hại ngài và các đan sĩ của ngài. Vị linh mục này còn thuê các thiếu nữ khỏa thân nhảy múa trước mặt Biển Đức và các đan sĩ. Để cứu các đan sĩ khỏi sự quấy nhiễu, ngài đành bỏ Subiacô và tới định cư tại Monte Cassino.
Vào năm 529, ngài đã thiết lập ở đây một đan viện thời danh mang tên ‘Montecassino’. Tại Đan Viện này, ngài cho các đan sĩ sống theo Tu Luật do chính ngài soạn thảo.
Bên cạnh gương thánh thiện và đời sống khắc khổ, thánh Biển Đức còn để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với các đan sĩ qua Bản Tu Luật do ngài soạn thảo. Bản Tu Luật này được đánh giá là chuẩn mực cho nếp sống ‘Đan Tu Cộng Đoàn’ và cũng là ‘Hiến Chương’ của ‘Tu Trào Đan Tu Tây Phương’. Hiện nay, Bản Tu Luật này còn được sử dụng khắp nơi trong các Đan viện Biển Đức – Xitô, cùng một số Hội Dòng khác trên thế giới[1].
Theo thống kê năm 2008, Dòng Biển Đức hiện có 20 Đan Hội (Hội Dòng), với 354 đan viện (gồm cả Đan Phụ Viện và Đan Trưởng Viện) hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
2. Dòng Nam Biển Đức tại Việt Nam
Cuối năm 1932, Đan phụ Dom Fulbert Gloriès, Viện Phụ của Đan viện La Pierre qui Vire, nước Pháp, nhận được thư của Đức cha Ramond, Giáo phận Hưng Hóa và của Đức cha Chabanon, Giáo phận Huế, mời các đan sĩ đến lập Dòng trong Giáo phận của các ngài.
Ngày 25.01.1935, Đan phụ Fulbert Gloirès đã phái cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để lập đan viện mới. Vào ngày 30.08.1935, ông Graffeuil, vị khâm sứ tại Huế, đề nghị cha lên Đà Lạt mua một nông trại do chính phủ cấp nhưng sắp đổi chủ. Ngày 12.10.1935, cha Wandrille chọn sở đất Miévelle ở Đà Lạt và tháng 11.1935, Đan viện La Pierre qui Vire quyết định mua sở đất này để lập đan viện mới.
Ngày 10.11.1936, thánh lễ đầu tiên được cử hành tại Miévelle, khai sinh Đan viện Đà Lạt, sau thành trụ sở Dòng cho đến năm 1954. Nhưng vì nơi đây hiếm ơn gọi, nên cha Romain quyết định về lập đan viện tại Huế. Sau này, cơ sở Đà Lạt được nhượng lại cho các nữ tu Franciscaines.
Cha Dom Romain Guillauma (Lộ Minh) đến Huế vào tháng 04.1940. Vào ngày 10.06.1940, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cha Romain và cha Crentin dâng thánh lễ đầu tiên khai sinh Tân đan viện và chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm Bổn Mạng. Tân đan viện có tên là Thiên An (bình an của Trời), tọa lạc thôn Cư Chánh (chốn lý tưởng), Huyện Hương Thủy (nước thơm), trong Tỉnh Thừa Thiên (Phúc Trời).
Sau đó, các đan sĩ của Đan viện Thiên An tiếp tục lập thêm ba đan viện khác nữa và tất cả đều thuộc Tỉnh Dòng Pháp. Vào năm 1988, các Nam Đan viện Biển Đức Việt Nam tách khỏi Tỉnh Dòng Pháp để lập thành Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề Trên Giám Tỉnh tiên khởi là cha Tađêô Phạm Quang Điện, Đan phụ Đan viện Thiên Bình.
Hoạt động chính của Dòng Biển Đức Việt Nam là cử hành phụng vụ, đọc sách thiêng liêng (Lectio Divina), học tập, dịch thuật, lao động, tiếp đón khách tĩnh tâm, giảng tĩnh tâm, chia sẻ đời sống đan tu cho khách có nhu cầu tâm linh[2].
Một vài mốc thời gian quan trọng của Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam:
Tháng 03.1998, Đan viện Thiên An được nâng lên thành Đan Phụ Viện với tên gọi Đan viện Biển Đức Thiên An – Huế.
Ngày 28.08.1998, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã chủ tế thánh lễ chúc phong Đan phụ cho cha Bề Trên Stêphanô Huỳnh Quang Sanh làm Đan phụ tiên khởi của Đan viện Biển Đức Thiên An.
Ngày 08.12.1962, Đan viện Thiên An lập Đan viện Biển Đức Thiên Hòa – Giáo phận Buôn Ma Thuột. Ngày 11.06.1970, Đan viện Thiên An lập Đan viện Biển Đức Thiên Bình – Giáo phận Xuân Lộc. Ngày 13.05.1972, Đan viện Thiên An lập Đan viện Biển Đức Thiên Phước – Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Hiện nay, Dòng nam Biển Đức tại Việt Nam thuộc Hội Dòng Subiacô, là một trong 20 Đan Hội của Dòng Biển Đức trên thế giới.
3. Dòng Nữ Biển Đức tại Việt Nam
“Ngày 24.06.1921, soeur Margueritte Waddington Delmas – tên Dòng là Bénédicte, được Tòa Thánh chấp thuận cho lập Dòng Nữ Biển Đức Truyền Giáo. Ngày 30.12.1987, Hội Dòng được nâng lên thành Dòng Tu trực thuộc Đức Thánh Cha. Từ Đan Viện này, Đan Viện Biển Đức thánh Bathilde ở Vanves (Pháp), Nữ Đan viện Thánh Mẫu Maria Thủ Đức được khai sinh.
Qua trung gian cha Romain (Bề trên Đan viện Thiên An – Huế), Đức cha Paul Seitz, giám mục Giáo phận Kontum, ngỏ ý mời Đan viện Vanves đến Buôn Ma Thuột với mục đích cầu nguyện cho việc truyền giáo và nâng cao trình độ các thiếu nữ người dân tộc. Đáp lời mời của Đức cha Paul Seitz, Đan Viện đã cử 5 nữ tu (trong đó có một người Việt Nam) đến Buôn Ma Thuột vào ngày 20.07.1954 và nhanh chóng khởi công xây dựng tân đan viện.
Vì gặp muôn vàn khó khăn nên vào ngày 15.02.1967, chị em chuyển về Sài Gòn và lập nhà tại Thủ Đức. Ngày 16.12.1967, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã long trọng làm phép và thánh hiến Nguyện Đường Bénédictine Thủ Đức.
Vào năm 1997, Đan Viện đã quyết định tìm đất tại Lộc Nam, thuộc xứ Lộc Thành – Bảo Lộc Lâm Đồng để lập tân đan viện. Năm 2000, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, đã chấp nhận sự hiện diện của tân đan viện trong Giáo phận của ngài.
Hiện nay, Dòng nữ Biển Đức Việt Nam có hai Đan viện Tự Trị tại Thủ Đức và Lộc Nam.
II. Lược sử dòng Xitô tại Việt Nam
Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (từ Dòng Biển Đức vào năm 910) đã đem lại cho Giáo Hội và đời sống đan tu nhiều sức sống mới. Tuy nhiên, khi nhận được sự tôn trọng và bổng lộc quá mức, các đan sĩ đã làm cho đời sống của họ trở nên nhạt nhòa vì kỷ luật đan tu không còn được tôn trọng như trước. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi các đan sĩ của Đan viện Molesme tự tách thành hai nhóm: Nhóm ‘dễ dãi’ và nhóm ‘trung thành’. Sau những dàn xếp nội bộ bất thành, các đan sĩ thuộc nhóm ‘trung thành’ đã đến xin Đức Tổng Giám mục Hugues, Giáo phận Lyon (nước Pháp), cho phép họ rời bỏ Molesme đi lập một đan viện khác để có thể sống trung thành hơn với Luật nguyên thủy của thánh Biển Đức.
Đó là bối cảnh ra đời của Dòng Xitô. Ngày 21.03.1098, được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám mục Hugues (đặc sứ của Đức Thánh Cha), Rôbertô, Albericô và Stêphanô cùng 20 đan sĩ khác đã rời bỏ Đan viện Molesme đến lập ‘Tân Đan Viện’ ở vùng đất mang tên Cistels, cũng gọi là Citeaux (Xitô), gần Dijon, nước Pháp. Đây chính là ‘tổ ấm’ đầu tiên của Dòng Xitô.
Tháng 11.1106, nhà nguyện của ‘Tân Đan Viện’ được cung hiến. Qua ngôi nhà nguyện đầu tiên này, Xitô đã cho thấy đặc nét kiến trúc đơn sơ của mình là đặt trọng tâm vào việc chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Kitô, khác biệt với lối trang hoàng lộng lẫy của Dòng Biển Đức và nhất là của Dòng Cluny thời bấy giờ[3].
Lý tưởng của các đan sĩ Xitô là cố gắng thiết lập một lối sống quân bình giữa cầu nguyện, lao động và tri thức. Đan sĩ cố gắng từ bỏ tất cả để chỉ tìm một mình Thiên Chúa và làm vinh danh Ngài. Phụng vụ của Xitô theo truyền thống của Biển Đức và Bản Tu Luật của thánh Biển Đức được áp dụng cách nghiêm ngặt. Vâng phục, khiêm nhường, thinh lặng, định cư và khổ chế là tâm điểm của linh đạo Xitô.
Cho đến trước ‘Phong Trào Cải Cách’, Dòng Xitô đã thiết lập được hơn 1.600 đan viện. Trong đó, có hơn 700 nam đan viện và gần 900 nữ đan viện. Riêng nước Pháp có tới 241 đan viện. Dòng Xitô phát triển với con số như thế chứng tỏ lý tưởng Xitô có sức thu hút nhiều người đương thời trên toàn Châu Âu.
Theo thống kê năm 2008, Dòng Xitô hiện có 11 Hội Dòng Độc Lập. Các Hội Dòng này lại có nhiều Đan viện Tự Trị là Đan Phụ Viện hay Đan Trưởng Viện. Các Hội Dòng trong Dòng Xitô đều tuân giữ Hiến Pháp Chung và Hiến Chương Bác Ái của Xitô Nguyên Thủy. Tuy nhiên, mỗi Hội Dòng đều phải có bản Hiến Pháp riêng của mình [4].
Khởi nguồn của lịch sử Hội Dòng Xitô Thánh Gia gắn liền với cuộc đời của Cha Henri Denis (1880-1935), Đấng Sáng Lập “Dòng Đức Bà An Nam”. Chính từ Dòng Đức Bà An Nam, nếp sống đan tu Xitô đã được khai sinh và phát triển trong lòng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong mấy thập niên vừa qua.
2.1. Cha Henri Denis với công việc lập Dòng chiêm niệm mang tên “Dòng Đức bà An Nam”
Đấng Sáng Lập “Dòng Đức Bà An Nam”, sau được đổi thành “Hội Dòng Xitô Thánh Gia”, là cha Henri Denis, có tên Việt Nam là “Cố Thuận” hay “Cha Biển Đức Thuận”. Ngài vốn là một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. Sau khi lãnh tác vụ linh mục, ngài đã nhận được bài sai ghi địa chỉ: Giáo phận Huế, nước Việt Nam. Ngài đã đến Việt Nam vào ngày 31.05.1903
Trong lá thơ đề ngày 31.01.1912, khi đang làm cha sở của Giáo xứ Nước Mặn, cha đã trình lên Đức giám mục Giáo phận Huế là Đức cha Allys (Lý) lời thỉnh nguyện tha thiết được thử nghiệm việc lập một Dòng chiêm niệm cho phái nam tại Giáo phận Huế nhưng lời thỉnh nguyện ấy chỉ được chấp thuận sau hơn sáu năm chờ đợi.
Ngày 03.07.1918, Đức Cha Allys cùng cha Tổng đại diện Giáo phận Huế là cha Chabanon và cha Henri Denis lên núi Phước Sơn – Quảng Trị để tìm đất lập Dòng.
Ngày 15.08.1918, cha Henri Denis dâng thánh lễ trọng thể kính ‘Đức Maria hồn xác lên trời’ để chính thức khai mạc sống đời đan tu tại núi Phước Sơn.
2.2. Nền tảng pháp lý của Hội dòng Xitô Thánh gia
Ngay từ khi có ý định lập Dòng đan tu chiêm niệm, cha Henri Denis đã xin được vâng phục ý của Đức giám mục Giáo phận Huế. Ngày 15.04.1918, Đức cha Allys đã đệ đơn lên Bộ Truyền Giáo để xin phép lập Dòng Đức Bà An Nam – gọi tắt là Dòng Phước Sơn – trong Giáo phận của ngài. Vào ngày 11.10.1918, Đức Hồng Y Rossum, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo phúc y đơn thỉnh nguyện của Đức cha Allys về việc lập Dòng Đức Bà An Nam.
Ngày lễ kính Thánh Giuse (19.03.1920), Đức cha Allys chính thức ban Sắc Lập Dòng Đức Bà An Nam tại núi Phước Sơn – Quảng Trị.
Ngày 04.03.1930, Cha bề trên Biển Đức Thuận và Cộng đoàn Phước Sơn đệ đơn xin gia nhập Dòng Xitô Chung Phép thế giới. Ngày 12.10.1933, Đại Hội Toàn Dòng Xitô đã chấp nhận cho Cộng đoàn Phước Sơn gia nhập Dòng Xitô và trực thuộc Bề Trên Cả (Cha Tổng Phụ) như Bề Trên Nhà Mẹ. Ngày 21.03.1935, Tòa Thánh đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Đại Hội Xitô về việc sáp nhập Dòng Đức Bà An Nam vào Đại gia đình Xitô thế giới. Ngày 21.03.1935, toàn thể các tu sĩ Dòng Đức Bà An Nam khấn lại cách trọng thể để gia nhập Dòng Xitô thế giới.
2.3. Ba Đan Phụ Viện đầu tiên của Hội dòng
Trong Đại hội toàn Dòng Xitô vào năm 1963, ba đan viện là Đan viện Phước Sơn, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương và Đan viện Khiết Tâm Phước Lý được chấp thuận nâng lên thành Đan Phụ Viện. Ngày 04.02.1964, Tổng Phụ Dòng Xitô Sighardo Kleiner đã viết thư xin Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đồng ý. Ngày 06.02.1964, Đức Hồng Y Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã đồng ý chấp thuận.
Ngày 19.03.1964, lễ chúc phong ba Viện Phụ tiên khởi của ba Đan Phụ Viện này được cử hành tại Vương cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, do Tổng Phụ Dòng Xitô chủ phong. Ba Viện Phụ tiên khởi là Cha Maria Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến (Viện Phụ Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn); Cha Maria Stêphanô Trần Ngọc Hoàng (Viện Phụ Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương) và Cha Maria Stalislaus Trương Đình Vang (Viện Phụ Đan viện Khiết Tâm Phước Lý).
2.4. Thành lập Hội dòng Xitô Thánh gia
Việc thành lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia được Đức Thánh Cha Phaolô VI chấp thuận qua Sắc Chỉ ban hành ngày 06.10.1964. Hội Dòng Xitô tại Việt Nam được thành lập với tên gọi ‘Hội Dòng Xitô Thánh Gia’. Khi đó, Hội Dòng có bốn Đan Viện Tự Trị, gồm ba Đan Phụ Viện là Thánh Mẫu Phước Sơn; Thánh Mẫu Châu Sơn; Khiết Tâm Phước Lý và một Đan Trưởng Viện là Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan.
Hiện nay, Hội Dòng Xitô Thánh Gia gồm 12 Đan Viện Tự Trị và một số Đan viện Đơn Lập (Trực Thuộc) hay tu sở, trong đó có 6 Đan Phụ Viện, 1 Đan Mẫu Viện và 3 nam Đan Trưởng Viện, 2 nữ Đan Trưởng Viện.
3. Hội dòng Xitô Thánh gia và việc lập dòng nữ Xitô
Ngày 21.11.1971, Tổng Hội Hội Dòng quyết định lập Dòng nữ Xitô và cho phép mỗi Đan viện Tự Trị thuộc Hội Dòng được thử nghiệm công việc này.
Vào ngày 11.11.1972, Bề Trên của Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý đã trình đơn xin phép lập Dòng Nữ Xitô. Ngày 12.11.1972, Đức cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc ban phép cho Đan viện Khiết Tâm Phước Lý được thử nghiệm lập Dòng nữ Xitô tại Bầu Sen, Phước Lý.
Ngày 22.05.1975, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng chấp thuận Dòng nữ Xitô Khiết Tâm Vĩnh Phước thuộc quyền Giáo phận Xuân Lộc. Nhưng ngay từ khi thành lập, Dòng nữ Xitô đã xin Đức cha được tuân giữ Hiến Pháp và Thói Lệ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Với thời gian, Dòng Nữ Xitô đã tiến hành việc xin được sát nhập vào Hội Dòng Xitô Thánh Gia.
Ngày 21.03.1997, Dòng Nữ Xitô đã trình Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đơn xin gia nhập Dòng Xitô, ngang qua Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Ngày 01.05.1997, Dòng Nữ Xitô trình đơn xin gia nhập Hội Dòng Xitô Thánh Gia và Tổng Hội Hội Dòng đã chấp thuận.
Ngày 15.08.1997, Dòng Nữ Xitô trình lên Đức Tổng Phụ và Thượng Hội Đồng Xitô thỉnh nguyện thư xin gia nhập vào Hội Dòng Xitô Thánh Gia, với sự chấp thuận của Đức giám mục Giáo phận Xuân Lộc.
Thỉnh nguyện thư và Hiến Pháp của Nữ Đan viện Xitô Vĩnh Phước được Thánh Bộ Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, cùng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phê nhận vào ngày 24.06.1998.
Tháng 05.2016, Tổng Hội Hội Dòng Xitô Thánh Gia đồng thuận nâng Nữ Đan viện Xitô Vĩnh Phước lên thành Đan Mẫu Viện. Ngày 22.06.2016, Chị M. Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc đã được bầu làm Viện Mẫu Tiên Khởi của Đan Viện.
Hiện nay, Dòng nữ Xitô Việt Nam gồm có ba Đan viện Tự Trị và một số tu sở khác nữa. Ba Đan viện Tự Trị là: Nữ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước; Nữ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải và Nữ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Phước Thiên[5].
4. Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca
Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca là một Đan viện Tự Trị thuộc Hội Dòng Đức Maria Vô Nhiễm – Pháp quốc.
4.1. Tên gọi
MỸ CA: Mỹ Ca là tên một làng nhỏ nằm trên bán đảo Cam Ranh. Đây là một thôn làng đánh cá khá nghèo.
THÁNH MẪU TÂM: Đan viện Mỹ Ca có thánh hiệu Trái Tim Đức Mẹ, gọi tắt là Thánh Mẫu Tâm.
4.2. Cội nguồn: Từ Sénanque qua Lérins đến Mỹ Ca
Sénanque, Đan viện Xitô nổi tiếng ở gần Avignon (Pháp), cùng với hai Đan viện Xitô khác (ở thế kỷ XII), lập thành bộ ‘Ba Chị Em Miền Provence’. Đó là các Đan viện Sénanque, Sylvacane và Thoronet. Chịu chung số phận với các Dòng tu khác trong thời cách mạng Pháp (1789), cả ba Đan Viện lớn này đều bị cách mạng chiếm, giải tán các đan sĩ và bán các cơ sở cho tư nhân.
Vào năm 1854, cha Bernard Barnouin mua lại được Đan viện Sénanque và đưa các tu sĩ Dòng ngài về đó; đồng thời đặt tên Hội Dòng mới là Hội Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Viện Phụ Barnouin còn mua được đảo Lérins và dời Đan Viện chính về đó, nhưng vẫn giữ lại Sénanque.
Lérins là một hòn đảo nhỏ, dài hơn 1km và chiều ngang rộng nhất chỉ đo được 400m. Lérins có lịch sử đan tu ngay từ thế kỷ thứ V, khi thánh Honorat cùng một số bạn đã đưa đời tu về đảo hoang này. Kể từ đó, Lérins cung cấp cho Giáo Hội khá nhiều vị thánh nên ngoài tên gọi là Đảo thánh Honorat, Lérins còn được gọi là Đảo Các Thánh.
Năm 1934, Dòng Lérins đã cử ba linh mục qua lập Dòng tại làng đánh cá Mỹ Ca trên bán đảo Cam Ranh – Việt Nam.
4.3. Mỹ Ca trong Giáo phận Nha Trang
Sau những ngày ngược xuôi tìm đất, từ Sapa, vào Đà Lạt, xuống Phan Rang, ra Nha Trang, cuối cùng cha Piquet (quản lý của Giáo phận Qui Nhơn và sau này là giám mục Giáo phận Nha Trang) đề nghị ba vị đi lập Dòng đến xem vùng đất Mỹ Ca. Các ngài đã tới và xây dựng một đan viện chiêm niệm theo linh đạo Xitô như Dòng Mẹ Lérins.
Sau năm 1975, các đan sĩ bị phân tán. Một số ít kiên trì ở lại Đan Viện. Nhưng đến 07.1977, nhà nước đã ‘mời’ các đan sĩ rời bỏ Đan Viện chính (Nhà Mẹ) và yêu cầu di dời đến nông trại của Đan Viện (có từ năm 1959) tại thôn Lập Định, xã Cam Hòa.
Đan Viện bắt đầu được đón nhận lại các tu sinh từ năm 1994. Được Dòng Mẹ Lérins hỗ trợ, Đan Viện đã xây dựng lại toàn bộ cơ sở vật chất. Hiện nay, ngoài Nhà Mẹ tại thôn Lập Định, xã Cam Hòa, Đan Viện còn có trụ sở ở Sài Gòn và một vài cơ sở khác nữa[6].
5. Linh đạo, châm ngôn và đoàn sủng của đan tu Biển Đức – Xitô
5.1. Linh đạo
Theo nhiều nhà chuyên môn, linh đạo Biển Đức – Xitô có thể tóm gọn trong việc thực hành Đức Khiêm Nhường, bởi tư tưởng chủ đạo của Luật thánh Biển Đức là đưa các đan sĩ đến việc thật lòng tìm kiếm Thiên Chúa, nghĩa là luôn đặt mình cố định trong ánh sáng của Người: “Đó là dòng dõi của những kẻ tìm kiếm Thiên Chúa, những kẻ tìm kiếm Nhan Thánh Người” (Tv 33,6). Trong ánh sáng đó, đan sĩ sẽ luôn luôn khám phá chân lý về Cái Tất Cả Của Thiên Chúa Và Cái Hư Vô Của Chính Mình[7].
5.2. Châm ngôn
“Lao Động và Cầu Nguyện” và “Không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô” [8].
5.3. Đoàn sủng
“Tuyệt đối không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô”[9] và “Đừng lấy gì làm hơn việc Chúa”[10].
Đức Thánh Cha Phaolô VI như đồng ý với lời dạy của thánh Biển Đức khi khẳng định: “Sự hiện diện của các con như một dấu hiệu, một điềm báo về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Các con hát: ai nghe? Các con cử hành các mầu nhiệm: ai chú ý? Dường như những người khác không hiểu các con và đánh giá đúng về các con; hình như sự cô tịch kìm hãm đời sống các con. Nhưng không. Có người đã lưu ý đến việc các con luôn thắp lên một ngọn đuốc; có người đã hiểu rằng nội vi các con đang chiếu tỏa ánh sáng và sức nóng; có người dừng lại, nhìn ngắm, suy nghĩ. Các con đưa con người thời đại này lên cao. Các con cung cấp cho sự suy tư của họ điểm khởi hành thường là dẫn họ tới ơn cứu độ và một năng lực mới”[11]. Do đó, đoàn sủng của đan tu Biển Đức – Xitô chính là việc cử hành Thần Vụ.
Công Đồng Vatican II xác nhận đoàn sủng này: “Trong những Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những Hội Dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quý trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, ‘mỗi chi thể đều có một tác động khác nhau’ (Rm 12,4). Thật vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú. Như thế, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng. Tuy nhiên, cũng phải duyệt lại cách sống của họ theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn về việc thích nghi canh tân …; dẫu vậy, vẫn phải kính cẩn bảo tồn sự cách biệt thế gian và những sinh hoạt riêng trong đời sống của họ” (DT 7).
III. Lược sử dòng cát minh tại Việt Nam
Truyền thống Dòng bắt nguồn từ cộng đoàn các ẩn sĩ trên núi Cát Minh. Họ yêu thích đời sống cô tịch theo gương mẫu của tiên tri Êlia. Các ẩn sĩ sống thanh tịnh trên núi Cát Minh, trong những hang động nhỏ, gần một dòng suối gọi là Suối Êlia.
Từ năm 1206 đến 1214, thánh Albertô, Thượng Phụ thành Giêrusalem, đã quy tụ các ẩn sĩ lại thành cộng đoàn. Ngài soạn thảo cho họ một Quy Luật Sống theo lý tưởng chiêm niệm và tinh thần của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem.
Sau khi người Hồi giáo Saraxens chiếm Thánh địa Palestine, cộng đoàn các ẩn sĩ tại núi Cát Minh đã di chuyển đến Châu Âu và tại đây, họ sống đời tu theo hình thức khất sĩ giống như các tu sĩ Dòng Phanxicô và Đaminh.
Vào năm 1247, bản Luật Dòng nguyên thủy của thánh Albertô được Đức Innôcentê IV phê chuẩn và bổ sung cho phù hợp với điều kiện sống ở Tây Phương. Vào thời Trung Cổ, Dòng Cát Minh đã hiện diện khắp Châu Âu. Vào đầu thế kỷ XV, các nữ đan viện cũng được thành lập và được chân phước Gioan Soreth chuẩn nhận vào năm 1415.
Đầu thế kỷ XVI, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá thực hiện cuộc phục hưng để cải tổ Dòng Cát Minh. Các ngài mong muốn tu sĩ Cát Minh quay về với truyền thống ban đầu, sống theo bản quy luật nguyên thủy của thánh Albertô.
Thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã lập nhiều đan viện theo tinh thần cải tổ cho những ai muốn sống ơn gọi như các vị ẩn sĩ tiên khởi ở núi Cát Minh và trung thành với bộ luật nguyên thủy của thánh Albertô. Do đó, từ thế kỷ XVI đến nay, tu sĩ Cát Minh nam, nữ sống theo một trong hai hệ Dòng: Cát Minh mở và Cát Minh về nguồn (OCD – còn gọi là Cát Minh đi chân không)”[12].
3. Dòng kín Cát Minh tại Việt Nam
“Vào năm 1849, Đức cha Dominique Lefèbvre, Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Tây Đàng Trong, đã viết thư cho người em họ Philomène bày tỏ ước muốn thành lập Dòng Kín Cát Minh tại Sài Gòn. Khi thư đến Lisieux, mọi người trong Đan Viện rất vui mừng. Mẹ Geneviève de Sainte Thérèse, Bề Trên của Dòng kín Lisieux, đã dạy chị Philomène viết thư hồi âm cho Đức cha rằng: ‘Ước nguyện của Đức cha, theo luật Dòng Cát Minh, không có gì ngăn trở. Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Các nữ tu Dòng kín Lisieux rất vinh dự được thực hiện ý muốn của Đức cha. Nhưng thưa Đức cha, chúng ta cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để việc bách hại đạo Chúa tạm lắng dịu tại đất An Nam này’.
Đối với Dòng kín Lisieux, việc đáp lại lời mời của Đức cha Lefèbvre để lập đan viện tại Sài Gòn là một hành động dũng cảm và đại độ. Bởi đến lúc đó, Dòng kín Lisieux được thành lập chỉ mới 12 năm (1838-1849). Hơn nữa, một vài nơi khác cũng xin lập Dòng và những nơi đó lại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn”[13].
“Mẹ Philomène kể lại ngày đầu tại Sài Gòn: ‘Chúng tôi được đưa đến Tòa Giám Mục, tại đây, Đức cha đang nóng lòng chờ đợi cuộc gặp mặt. Ngài tiếp chúng tôi với tất cả niềm vui và sự ân cần, trìu mến. Ngài nói rằng: ‘Hỡi các con yêu dấu, cha mong đợi chúng con từ bao lâu nay rồi’. Không thể diễn tả hết nỗi vui mừng của Đức cha Lefèbvre, vì ước mơ của ngài nay đã được thực hiện. Từ nay, có một nhà kín Cát Minh hiện diện trong Giáo phận để làm sáng Danh Chúa, để phạt tạ, đền bồi và để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam qua một hình thức sống đời tu trì mới đến tại An Nam”[14].
Hiện nay, Dòng Cát Minh tại Việt Nam gồm có ba chi nhánh: Nam tu Cát Minh hay còn gọi là Cát Sĩ, Nữ Tu Kín và tín hữu tu tại gia hay còn gọi là Dòng ba Cát Minh. Riêng các Nữ đan viện kín Cát Minh đã hiện diện trong các Giáo phận như: TGP Sài Gòn, TGP Huế, Giáo phận Nha Trang, Giáo phận Phan Thiết, Giáo phận Đà Lạt …
4.1. Cầu nguyện
Đây là đặc tính đầu tiên và nền tảng của cuộc sống nữ tu Cát Minh
4.2. Nhiệt tâm tông đồ
Nhiệt tâm này chiếm chỗ quan trọng trong lý tưởng Cát Minh.
4.3. Cô tịch: Bao gồm thinh lặng, cô tịch và nội cấm.
– Để có được sự hồi tâm thường xuyên và mãnh liệt thì nhất thiết phải giữ thinh lặng.
– Bầu khí thinh lặng liên kết với cô tịch.
– Nội vi không phải là mục đích nhưng là phương tiện để đạt được sự tự do nội tâm cần thiết cho sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa.
4.4. Đời sống cộng đoàn
– Cuộc sống huynh đệ.
– Sống đơn giản.
– Có được tự do thiêng liêng.
– Nhân bản.
4.5. Tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria
Đức Mẹ là bổn mạng, là mẫu gương và là Nữ Hoàng của Dòng Cát Minh.
4.6. Khổ chế
Từ bỏ tất cả để trọn vẹn thuộc về Chúa.
4.7. Lao động
Phải làm việc để kiếm sống như những người nghèo, để hữu ích cho tha nhân và để tránh sự nhàn rỗi[15].
IV. Lược sử ‘Dòng Kín thánh Clara’ (O.S.F.)
Vào năm 1212, thánh Phanxicô đã giúp Clara thành lập ‘Dòng kín thánh Clara’ còn gọi là ‘Dòng nhì Phanxicô’ hay ‘Dòng các chị em nghèo khó thánh Clara’. Đan viện San Đamianô, tại Assisi, nước Ý, là cái nôi của Dòng.
2. Dòng Kín thánh Clara tại Việt Nam
Vào năm 1935, tám nữ tu từ Đan viện Roubaix (Pháp) sang lập đan viện tại Vinh. Nhưng vì chiến tranh nên vào năm 1950, các Mẹ và một số chị em Việt Nam phải trở về Đan viện Roubaix. 22 năm sau, bốn chị người Việt Nam cùng một chị người Pháp đã trở lại và tái lập Đan viện thánh Clara tại Thủ Đức vào ngày 27.09.1972.
Vào ngày Lễ kính Mẹ thánh Clara (11.08.1975), Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế thánh lễ và thánh hiến Đan Viện. Chị em được trực thuộc Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn.
Ngày lễ Thánh Gia Thất (30.12.1994), Tòa Thánh cho phép Đan Viện thiết lập ‘Nội vi Giáo Hoàng’. Từ đây, chị em được đặt dưới quyền tài phán của Dòng Phanxicô. Điều này phù hợp với nguyện vọng của Mẹ Sáng Lập Dòng là chị em được hướng dẫn và hỗ trợ từ anh em Dòng Nhất (Dòng Phanxicô) để cùng tiến bước theo linh đạo Phan Sinh.
Với thời gian, chị em thấy có nhu cầu lập nhà mới. Ước nguyện này đã được Tòa Thánh chấp thuận cùng với sự đồng ý Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (TGP Sài Gòn), Đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật (GP Xuân Lộc) và cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, Giám Tỉnh Dòng Phanxicô. Ngày 21.02.2005, chị em chính thức lập ‘nhà con’ tại Giáo xứ Xuân Sơn, Giáo phận Xuân Lộc, nay là Giáo phận Bà Rịa.
Sống theo thể thức thánh Phúc Âm trong Giáo Hội, hoàn toàn sống đời chiêm niệm, khó nghèo và huynh đệ.
– Chuyên lo cầu nguyện qua nếp sống nghèo khó, khổ chế, đơn sơ, vui tươi và huynh đệ.
– Sống Phúc Âm theo linh đạo thánh Phanxicô và thánh Clara quy về đời sống chiêm niệm, ẩn kín[16].
V. Đan viện Đaminh thánh hiệu Đức Maria Thánh linh[17] ()
Từ đầu lịch sử Dòng, thánh Đaminh đã liên kết chặt chẽ đời sống chiêm niệm với sứ vụ loan giảng Tin Mừng. Vào năm 1206, ngài lập nữ đan viện tại Prouille như nơi ‘nuôi dưỡng đời sống tông đồ của anh em và của các tập thể khác trong gia đình Đaminh’. Vì thế, anh chị em Đaminh vẫn luôn đồng hành và hợp tác với nhau trong sứ vụ phục vụ Lời Chúa từ hơn 800 năm qua.
Từ năm 1999, một số chị em Đaminh đã tuyên khấn trọn đời, thuộc Liên Hiệp Nữ Đaminh Việt Nam, ước muốn sống đời chiêm niệm, đã được phép khởi sự đời đan tu Đaminh qua hai năm tập theo Giáo luật tại một Đan viện của Dòng.
Ngày 23.10.2002, Cha Carlos, Bề trên Tổng quyền Dòng chấp thuận đơn xin thành lập Cộng đoàn Đan tu Đaminh tại Việt Nam và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cho phép chị em được sinh hoạt trong Tổng Giáo Phận của ngài. Trong thời gian khởi đầu, chị em cư ngụ tại ‘Tu Xá thánh Phaolô trở lại’ của Tỉnh Dòng Đaminh tại Giáo xứ Lạc Quang, Sài Gòn.
Từ ngày 19.03.2003, chị em chuyển về Giáo xứ Ngũ Phúc, Giáo phận Xuân Lộc. Ngày 09.01.2004, Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chấp thuận cho chị em sống thành Cộng đoàn tu trì trong Giáo phận Xuân Lộc.
Sau 12 năm hiện diện, chị em đã đệ đơn lên Tòa Thánh xin được trở thành Đan viện tự trị. Ngày 02.01.2014, Đức Hồng y Joan Braz of Aviz, Bộ trưởng Thánh Bộ Tu Sĩ, chấp thuận đơn xin nâng cộng đoàn thành Đan viện Đaminh tự trị.
Ngày 25.03.2014, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc phê chuẩn và công bố Sắc Lệnh thành lập Đan viện Đaminh thánh hiệu Đức Maria Thánh Linh tại Việt Nam.
Các nữ Đan sĩ Đaminh:
– Sống trong đan viện theo luật Nội vi Giáo Hoàng;
– Theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, noi gương Đức Trinh Nữ Maria;
– Yêu mến và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Ở Trung tâm Sứ Vụ của Dòng: “ … các nữ đan sĩ tìm kiếm Thiên Chúa, học hỏi và cầu nguyện trong cô tịch, để Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra không trở về vô ích, nhưng hoàn tất những điều đã được phán ra” (x. Is 55,10) (HPNT số 1, II).
Châm Ngôn: “Cầu Nguyện, Học Tập và Làm Việc”.
PHẦN THỨ HAI: 60 NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI GIÁO HỘI VIỆT NAM
‘Hạt giống chiêm niệm đan tu’ đã được gieo trồng tại Việt Nam đúng 160 năm. Nhưng sự trưởng thành và tự trị về pháp lý của ‘Tu trào đan tu’ lại gắn liền với thời gian thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam. Bởi đó kiểu nói ‘Tu trào đan tu trong lòng Giáo Hội Việt Nam’ là một câu nói ấm áp và ngọt ngào. Nó nói lên sự gắn bó tình yêu giữa con với mẹ, giữa các đan sĩ với đoàn dân Chúa tại đất nước thân yêu này. Tuy nhiên ‘ở trong lòng’ không đồng nghĩa với ‘an nghỉ và hưởng thụ’. Các đan sĩ ở trong lòng Giáo Hội như chi thể trong thân mình, như con cái trong gia đình cha mẹ hay như công dân ý thức nghĩa vụ xây dựng tổ quốc. Như thế ‘ở trong’ là thông hiệp, là hợp tác, là có dự phóng, là luôn dám chấp nhận ‘ném mình về phía trước’ để thể hiện cho bằng được cái Mình Là và Giáo Hội mình Là[18].
I. Đồng hành cùng Giáo hội Việt Nam
Vào năm 1964, nhân dịp đến Monte Cassino, tổ ấm của đan tu Biển Đức, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn dương thánh Biển Đức làm ‘Đấng Bảo Trợ’ của Châu Âu. Qua tước hiệu ấy, ngài muốn đánh giá cao những đóng góp to lớn của con cái thánh Biển Đức trong việc xây dựng nền văn minh Kitô giáo tại Châu lục này.
Theo Đức Thánh Cha, khí cụ được các đan sĩ sử dụng vào việc khai hóa Châu Âu là chiếc cày, cuốn sách và cây thánh giá được thể hiện qua đời sống khổ hạnh, khai phá đất đai và thiết lập các trung tâm văn hóa. Ba yếu tố này giúp khai hóa toàn diện con người, vì chính Đức Kitô cũng đã lôi kéo mọi người đến với Ngài bằng cây thánh giá (x. Ga 12,32), cuốn Tin Mừng sống và đôi bàn tay lao động của Ngài. Biểu tượng hay hình ảnh chiếc cày, cuốn sách và cây thánh giá cũng có thể được dùng để nói về bản chất, mục đích và những yếu tố căn bản của đời sống đan tu.
35 năm sau lời tuyên dương của Đức Phaolô VI, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng giám mục Á Châu cũng xác định tương tự như vậy về vai trò, giá trị và chỗ đứng của đời sống đan tu trong Giáo Hội địa phương, đặc biệt trong các xứ truyền giáo: “Với lòng tôn kính và ngưỡng mộ sâu xa, Giáo Hội tại Á Châu xem các cộng đoàn tu trì sống đời chiêm ngưỡng như là nguồn mạch đặc biệt ban sức mạnh và soi sáng. Dựa theo những đề nghị của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi đặc biệt khuyến khích việc thiết lập những cộng đoàn đan tu và chiêm ngưỡng, nơi nào có thể được. Bằng cách thức ấy, như Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta, việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người, kẻo những kẻ xây dựng xã hội trần thế lại lao động cách luống công …
Trong nhiều truyền thống tôn giáo tại Á Châu, những người nam nữ hiến mình trong đời sống chiêm ngưỡng và khổ tu, rất được kính trọng, và chứng tá của họ có một khả năng thuyết phục đặc biệt. Cuộc đời của họ sống trong cộng đoàn, qua một chứng tá thầm lặng và an bình, có thể gợi hứng cho con người tạo nên một cuộc sống hòa hợp hơn trong xã hội. … Gương âm thầm của họ về sự nghèo khó và bỏ mình, về sự khiết tịnh và chân thành, về sự từ bỏ mình trong vâng phục, có thể trở nên một chứng tá hùng hồn có khả năng đánh động mọi người thiện chí và đưa tới một đối thoại mang lại kết quả với các nền văn hóa và tôn giáo xung quanh, ...”[19].
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ đã khẳng định hai xác tín quan trọng: Cổ võ việc thiết lập các cộng đoàn đan tu chiêm niệm ở bất cứ đâu có thể; vì trong các truyền thống đông đảo của Châu Á, những ai dâng mình theo đuổi đời sống chiêm niệm và khổ hạnh đều được kính trọng và lời chứng của họ có sức thuyết phục đặc biệt.
II. Sống chứng nhân Tin Mừng tại Việt Nam
Trong chức vụ Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ, Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo đã gọi các đan sĩ là “Những người mang lại tiếng nói cho sự thinh lặng” (Đài Vatican 26.11.2018) khi đề cao chứng tá của đời sống chiêm niệm và sự cần thiết của lối sống này trong thế giới ngày nay. Những người mang lại tiếng nói cho sự thinh lặng cũng có nghĩa là những người sẽ làm cho những thực tại đang im lặng được lên tiếng hoặc những người nói lên tiếng nói ở bên dưới hay ở đằng sau những thực tại đang diễn ra. Xin nêu một vài tiếng nói đã được ghi nhận từ huấn quyền Giáo Hội và từ các chứng nhân nơi đời sống đan tu.
1. Thử thách sẽ giúp các đan sĩ xác tín về ý nghĩa và giá trị của Tin Mừng
Khi đối diện với nhiều thử thách hiện nay, các đan sĩ không xem đó là những vấn đề mà là những ân sủng để sống đức tin cách sáng tạo và năng động hơn: “Một trong những ấn tượng của tôi về các sơ (khi dạy học cho các sơ) là lòng quảng đại đối với Hội Thánh và xã hội trần thế. … Các sơ chăm chú lắng nghe các biến cố không phải để thỏa mãn sự hiểu biết thông tin, cho bằng biến chúng thành lời cầu nguyện của mình, lời cầu nguyện trở nên phổ quát do tấm lòng rộng mở của người lắng nghe … Một tấm lòng quảng đại ôm trọn mọi thao thức, vui buồn của nhân loại được biểu lộ nơi hy tế Thánh Thể được cử hành hàng ngày trong nguyện đường của họ …”[20].
“Các đan viện của các con rải rác khắp toàn thế giới như những ốc đảo cầu nguyện và tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa trong bầu khí thinh lặng của nội cấm. … Hãy làm chứng về sự cao đẹp và phong phú nơi hoạt động truyền giáo của đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl 3,3), về giá trị chuyển cầu và tế hiến bên cạnh Thánh Thể, trung tâm của Hội Thánh toàn cầu cũng như của Hội Thánh địa phương” [21].
2. Không trốn đời, nhưng bày tỏ gương mặt của Thiên Chúa
“Các đan sĩ không trốn tránh cuộc đời vì cho rằng nó hư hoại, tội lỗi, không thể sống được; nhưng họ chọn sống trong thế giới theo cách thế của Tin Mừng để cho người ta nhìn thấy Thiên Chúa… Khi sống theo Tin Mừng, các đan sĩ làm cho Thiên Chúa tình yêu trở nên cụ thể đối với những người nam nữ trong thời đại chúng ta…”[22] .
Lời dạy của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Nhằm vào nhiệm vụ của công cuộc tân Phúc âm hóa và đứng trước nhiều nhu cầu tinh thần cũng như vật chất to lớn của nhân loại, Hội Thánh đang cần đặc sủng chiêm niệm của các con”[23].
Lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thế giới và Giáo Hội cần đến các con, như những ngọn đèn soi đường cho hành trình của những người nam và nữ trong thời đại chúng ta. Đó chính là chứng tá mang tính ngôn sứ của các con. Các con không chọn chạy trốn thế gian do sợ hãi như một số người vẫn nghĩ, nhưng đúng hơn, các con chọn vẫn ở lại trong thế gian mà không thuộc về thế gian này. Dù sống tách biệt với thế gian, nhưng qua các dấu chỉ thuộc về Đức Kitô, các con chuyển cầu không ngơi nghỉ cho nhân loại, mang đến với Chúa những nỗi sợ hãi và hy vọng, những niềm vui và khổ đau của thế giới này” [24].
Tâm tình mục tử của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: “Chị em ý thức hơn về trách nhiệm sống, làm chứng, truyền đạt tinh thần Cát Minh, để làm cho đặc sủng ấy tồn tại và phát triển luôn mãi. Đây chính là lý do cho sự hiện hữu của chị em, của Đan viện Cát Minh trên đất Sài Gòn này. … Hơn nữa, chị em còn cung cấp chứng từ của một đời sống toàn hiến cho Thiên Chúa, để cầu nguyện cho Giáo Hội, cho thế giới, đặc biệt cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam”[25].
3. Chứng tá về cuộc sống hiệp nhất, gặp gỡ, đối thoại
“Vì thời đại của chúng ta bị chi phối bởi sự đề cao tư duy cá nhân, năng lực cá nhân và nhu cầu tự làm, nên cần sự đối thoại, lắng nghe, thinh lặng đích thực, giúp đưa đến sự suy tư và hình thành nền văn hóa gặp gỡ. Các đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với nhau để làm chứng trong cuộc sống hằng ngày về các tâm tình của Chúa Kitô, để suy nghĩ theo Tin Mừng và hành động như Chúa Giêsu. Các đan viện được mời gọi xét lại những điều này và các yếu tố khác để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta”[26].
“Tại các Đan viện, đang có những con người chìm sâu vào trong nguồn suối chan hòa Nước Hằng Sống, là Thiên Chúa Ba Ngôi, để rồi kín Nước ấy cho mọi người chung quanh. Là vì ở đây có những con người đang chìm sâu vào trong lòng thế giới, tưởng là họ xa lạ với thế giới, nhưng không, tại đó, họ chạm vào mọi vấn đề nan giải của thế giới, mà âm thầm tìm ra các giải pháp, nhờ liên tục đặt các vấn đề ấy ra với Thiên Chúa trong các giờ cầu nguyện. Đây là những người đang muốn giới thiệu một đời chiêm niệm tinh trong bằng một nỗ lực sống rất âm thầm nhưng thật cương quyết. … Tại đây, có một vẻ đẹp của việc cầu nguyện chung: sự hợp nhất tâm hồn và lời ca tiếng hát … Tất cả đều cho thấy là cộng đoàn đang mở lòng ra trước tương quan riêng tư với Thiên Chúa. Ước mơ là bất cứ ai đến đây, dù chỉ trong giây lát, nhờ trầm mình vào trong bầu khí cầu nguyện sống động, vẫn như được chạm tới được chiều kích cốt yếu của đời mình, đó là tương quan với Thiên Chúa và được thúc đẩy sắp lại đời sống mình cho trật tự. …
Dù sống trong Dòng Kín nhưng chị em có khả năng vượt qua các biên giới, một khả năng rất cần thiết cho thế giới hôm nay. Ước mơ chị em Cát Minh sống ngày qua ngày một sự cởi mở, để Chúa Thánh Thần có thể đưa chị em ra đi. Ước mơ chị em Cát Minh sẽ có mặt ở nhiều nơi trên quê hương chúng ta. Để chị em giới thiệu cho mọi người, đặc biệt những người trẻ của đất nước chúng ta, nguồn mạch của sự hiệp thông cho phép mọi người sống như một gia đình nhân loại duy nhất, mặc dù có đủ thứ khác biệt, về hoàn cảnh sống, về văn hóa, thậm chí khác biệt về niềm tin. Và đấy là một phác thảo về một nền hòa bình bền vững” [27].
4. Làm chứng về sự ổn định, sống chung và tôn trọng nhau
“Trong thế giới bị xé rách bởi các mảnh vỡ, chiều kích chiêm niệm cho thấy khả năng có thể tái dệt lại tấm vải nhân loại cách cá nhân và cộng đồng, nhiều lần bị xé toạc bởi vì sự trống rỗng. Trong xã hội không có quy tắc, nơi cái tôi trở thành thước đo của mọi thứ, cộng đoàn chiêm niệm được kêu gọi làm chứng về vẻ đẹp của sự tự do được thể hiện qua sự tôn trọng đối với mọi người và với thụ tạo khi xây dựng các lợi ích chung …
Đối với việc sử dụng và phung phí thời gian, cộng đoàn chiêm niệm đề xuất sự ổn định của một cộng đồng sống chung với ý nghĩa của cuộc sống được lựa chọn và người ta gắn bó với nó với niềm đam mê, tôn trọng từng người và nhìn nhận những vai trò khác nhau. Cuộc gặp gỡ với Chúa qua lời cầu nguyện cho phép những người chiêm niệm lắng nghe những gì Thánh Linh nói trong đời sống cá nhân và cộng đồng, để có được một cái nhìn chiêm niệm về các sự kiện, về sự trung gian, về lịch sử của con người” [28].
5. Làm chứng về đời sống nghèo theo tinh thần của Tin Mừng
“Ấn tượng đầu tiên tôi có về các sơ Dòng Kín là ‘chất chân tu’ của họ. Nhìn cách ứng xử và giao tiếp của họ, tôi không thấy giống như những người khác: ăn nói nhỏ nhẹ, không ồn ào, không tỏ vẻ tự mãn, không kiêu kỳ, bon chen. Mỗi khi tiếp xúc với họ, tôi luôn có cảm tưởng họ rất đơn sơ, nhưng không ngây ngô; rất chân thực nhưng không dễ bị lừa gạt; rất thẳng thắn nhưng không muốn làm mất lòng ai. Nói chuyện với họ là phải thẳng băng chứ đừng có loanh quanh, bóng gió, vì họ không hiểu. Họ là những người có sao nói vậy, không uẩn khúc, không một lời nhiều ý, nên họ không hiểu những cái loanh quanh vòng vo của người lắm ý nhiều lời. Tinh thần phục vụ của họ thì khó đâu sánh bằng, không hề tính toán hơn thiệt, thấy ai cần gì và có khả năng đến đâu, họ lo đến đó. Họ luôn luôn tìm cách phục vụ tốt nhất cho những người cần đến họ, cả tinh thần lẫn vật chất, đến nỗi nhiều người nói các sơ chỉ dành phần tốt nhất cho người khác. ‘Chất chân tu’ của họ còn biểu lộ qua cách sống thật hồn nhiên, tươi vui và lạc quan. …”[29].
6. Đời đan tu thể hiện mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và con người
“Trong thế giới đang mất đi chiều sâu của sự giao tiếp, các đan sĩ được kêu gọi làm cho mối quan hệ trung thành của Thiên Chúa với nhân loại trở nên hữu hình. Trong thời đại mà các tiếng nói chồng chéo lên nhau, các đan sĩ có sứ mệnh lớn lao là làm chứng nhân về chiều sâu của cuộc sống, mang lại tiếng nói cho thinh lặng …; chính trong thời đại mà, để sống, chúng ta chìm đắm trong sự ồn ào và để lấp đầy những khoảng trống của sự hiện hữu hoặc tình cảm không được xác định, người ta điên cuồng chạy từ góc này đến góc kia của trái đất mà không cảm nhận được sự sâu sắc và ổn định của các mối quan hệ. Các đan viện được kêu gọi để trở thành nơi loan báo trước, nơi mà thụ tạo trở thành lời ca ngợi Chúa và phương châm bác ái cụ thể trở thành lý tưởng sống chung của con người và nơi con người tìm kiếm Thiên Chúa mà không gặp rào cản hoặc bị ngăn cản” [30].
“Các nữ tu chiêm niệm thân mến, các con ý thức rất rõ rằng, cũng như những dạng thức sống thánh hiến khác, hình thức sống thánh hiến của các con ‘là một ân ban cho Giáo Hội, trổ sinh và tăng trưởng trong lòng Giáo Hội, và hoàn toàn định hướng cho thiện ích của Giáo Hội’. Vì vậy, các con hãy kiên trì ở lại trong sự hiệp thông sâu xa với Giáo Hội, ngõ hầu trong lòng Giáo Hội, các con tiếp nối cách sống động mầu nhiệm của Đức Maria Trinh Nữ, Hiền Thê và là Mẹ, Đấng luôn chào đón và quý trọng Ngôi Lời để chuyển giao Ngôi Lời lại cho thế giới. Thực thế, các con có thể sinh hạ Đức Kitô và giúp Người lớn lên nơi các tâm hồn của mọi người nam và nữ, dù chỉ là trong vô thức, vẫn luôn khao khát Đấng là ‘Đường, là Sự thật và là Sự sống’ (Ga 14,6). Giống như Mẹ Maria, các con hãy nỗ lực trở nên những ‘chiếc thang’ để ngang qua đó Thiên Chúa ngự xuống gặp gỡ nhân loại và nhân loại bước lên gặp gỡ Thiên Chúa và chiêm ngắm tôn nhan Người nơi dung mạo Đức Kitô”[31].
Nếu Công Đồng Vaticanô II định nghĩa Giáo Hội “là thân thể” (GH, số 7), “là gia đình” (GH, số 6) và “là dân thánh” (GH, số 9) thì các đan sĩ đã sống ơn gọi của mình trong Giáo Hội như chi thể trong thân thể, như người con trong gia đình, như công dân trong cộng đoàn dân Chúa. Các đan sĩ biết mình có trách nhiệm liên đới trong việc làm tăng trưởng sức sống của Giáo Hội theo đúng chức năng của mình. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, họ cũng có thể nói: ‘Trong thân mình Giáo Hội, tôi là tình yêu’. Là người con trong gia đình, các đan sĩ luôn muốn đặt ‘chữ Hiếu’ đối với Giáo Hội lên hàng đầu theo gương Đức Kitô là ‘Anh Cả giữa một đàn em đông đúc’ (Rm 8,29). Là công dân trong cộng đoàn dân Chúa, các đan sĩ luôn muốn mình là những người thánh (x. Rm 1,7) qua sức sáng tạo và quảng đại với việc chu toàn bổn phận ‘công dân Nước Trời’. Thật vậy, trên mảnh đất thấm đẫm máu Các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, tu trào đan tu đã được trồng vào như một cây nho quý.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)
[1] x. Kỷ yếu ‘Dấu Ấn Hồng Ân’ 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1918-2018); trang 51-53
[2] x. Kỷ yếu 32 năm hồng ân đan tu Biển Đức – Xitô Việt Nam (1975-2007); trang 6-9
[3] x. Kỷ yếu ‘Dấu Ấn Hồng Ân’ 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1918-2018); trang 59-60
[4] x. Kỷ yếu ‘Dấu Ấn Hồng Ân’ 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1918-2018); trang 88
[5] x. Kỷ yếu ‘Dấu Ấn Hồng Ân’ 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia (1918-2018); trang 153-155
[6] x. Kỷ yếu 32 năm hồng ân đan tu Biển Đức – Xitô Việt Nam (1975-2007); trang 111-114
[7] x. Kỷ yếu 32 năm hồng ân đan tu Biển Đức – Xitô Việt Nam (1975-2007); trang 19
[8] Tu Luật thánh Biển Đức, Chương 4 và Chương 72
[9] Tu Luật thánh Biển Đức, Chương 72,11
[10] Tu luật thánh Biển Đức, Chương 43,3
[11] Huấn từ nói với các Viện Phụ Biển Đức ngày 30.9.1966
[12] x. Kỷ yếu ‘Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861- 2011′; trang 44-46
[13] Kỷ yếu ‘Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861- 2011′; trang 59-60
[14] Kỷ yếu ‘Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861- 2011′; trang 68-69
[15] x. Kỷ yếu ‘Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861- 2011′; trang 26-27
[16] x. Kỷ yếu các Hội Dòng Tận Hiến & các Tu Đoàn Tông Đồ Việt Nam; trang 244-247
[17] Theo trang Web của Đan viện Đaminh
[18] x. Kỷ yếu 32 năm hồng ân đan tu Biển Đức – Xitô Việt Nam (1975-2007); trang 31-32
[19] Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (EA), 44
[20] Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ – “Ấn tượng phục vụ” – Kỷ yếu “Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861-201; trang 162-164
[21] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Trích thư gửi các Đan nữ Cát Minh cải tổ nhân dịp phê chuẩn Luật và Hiến Pháp Dòng, Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu 1991 (x. Kỷ yếu “Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861-2011; trang 152-153)
[22] Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo, “Những người mang lại tiếng nói cho sự thinh lặng” (Đài Vatican 26.11.2018)
[23] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; bđd.
[24] Tông hiến Tìm kiếm Tôn Nhan Thiên Chúa – Vultum Dei Quaerere; 36
[25] Tâm tình mục tử – Kỷ yếu “Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861-2011; trang 11-12
[26] Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo – Bđd
[27] Fx Vũ Phan Long, OFM – ‘Như một ốc đảo trong sa mạc hay là 150 năm Dòng Cát Minh Việt Nam’ – Kỷ yếu “Đan viện Cát Minh Sài Gòn 150 năm hình thành và phát triển 1861-201; trang 160-161
[28] Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo – Bđd (Đài Vatican 26.11.2018)
[29] Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ – Bđd
[30] Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo – Bđd
[31] Đức Thánh Cha Phanxicô – Tông hiến Tim kiếm Tôn Nhan Thiên Chúa – Vultum Dei Quaerere; 37
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận