Những bài phỏng vấn này tuy được thực hiện đã lâu (từ năm 2012), nhưng nội dung vẫn còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Nên chúng tôi xin được đăng lại để làm tài liệu cho Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. (Ban Biên Tập)
TU SĨ VÀ SỨ VỤ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN
Mai Tâm tổng hợp
WHĐ (24.04.2021) – Hãng thông tấn Zenit, tờ báo La Croix đã có sáng kiến phỏng vấn quý Bề trên của một số dòng về nỗ lực đáp lại lời kêu gọi tham gia sứ vụ thông truyền đức tin Kitô giáo trong xã hội ngày nay. Những bài phỏng vấn này tuy được thực hiện đã lâu (từ năm 2012), nhưng nội dung vẫn còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Nên chúng tôi xin được đăng lại để làm tài liệu cho Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. (Ban Biên Tập)
Nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm và việc Tân Phúc Âm hoá
Trong một bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Zenit, do Jose Antonio Varela Vidal thực hiện và được phổ biến trên Zenit.org ngày 1/8/2012, Sơ Bề trên Tổng quyền dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, Daria Fernández Ramos, trình bày về ơn gọi, công việc đào tạo và nhất là nỗ lực hiện nay của dòng nhằm thích ứng với sứ vụ Tân Phúc Âm hoá.
Điều gì trong Tân Phúc âm hoá cần phải được nhấn mạnh?
“Điều chúng tôi tìm kiếm, như Đấng sáng lập dòng đã dạy, là gặp gỡ Đức Giêsu, với ý thức rằng chỉ có Người mới có thể biến đổi một con người; khi người ta được cảm nghiệm về một cuộc gặp gỡ thâm sâu với Đức Giêsu, cuộc sống sẽ thay đổi; chúng tôi được chứng kiến điều này nơi các thiếu nữ; các em có thể có cùng những ước muốn hoàn thiện và hy vọng lớn lao, nhưng nếu các em có được kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ này, cuộc sống của các em sẽ có một ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ hơn”.
Một thiếu nữ ngày nay tìm gì khi mong muốn hiến dâng cuộc đời của họ trong dòng?
“Động cơ xin vào dòng có khác nhau. Thiên Chúa đánh động con tim mỗi người tuỳ theo cá tính của mỗi người. Nhưng có một mẫu số chung, cảm nghiệm về Thiên Chúa và sự quan tâm đối với những thách đố lớn của xã hội. Một số người cảm thấy mình được gọi làm tông đồ giữa các bạn của mình. Các em đau lòng khi thấy có những người trẻ không tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của họ, và các em cảm thấy như được gửi tới để chia sẻ điều họ đã cảm nghiệm được; họ cảm thấy mình được gọi và được sai đi. Cầu nguyện, Thánh Thể và tiếp xúc với Lời Thiên Chúa cũng là những phương thế quan trọng qua đó Đức Giêsu đến gặp gỡ người trẻ ngày nay, cả trong những giờ phút khó khăn nhất và trong những kinh nghiệm về khổ đau, khi họ có kinh nghiệm về một cuộc sống vô nghĩa và muốn bắt đầu lại với một con đường mới”.
Vào thời đại này, điều gì được nhấn mạnh trong việc đào tạo các tập sinh?
“Các thiếu nữ muốn gia nhập dòng chúng tôi hiện nay đến từ nhiều môi trường khác nhau và có những giá trị rất khác nhau. Trước tiên họ bị thu hút bởi công việc xã hội các Nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm đang thực hiện, bởi tinh thần hiếu khách và thăng tiến phụ nữ, đặc biệt bởi lối sống đầy tính nhân văn, vui vẻ và đại độ của chúng tôi, khiến họ thấy là phải nhìn sự vật và sống một cách khác, lấy Tin Mừng của Đức Giêsu làm nền tảng”.
Cũng có những giá trị cần phải được nâng cao?
“Đại độ và đầy quyết tâm, nhưng các thiếu nữ có thể vẫn còn những yếu đuối, do đó, họ cũng cần phải được giáo dục tốt hơn để có thể sống trọn vẹn sự tận hiến của họ. Điều quan trọng hơn cả là việc đào sâu đức tin, và sự gặp gỡ Đức Giêsu của đời sống và của lịch sử, Đấng giúp họ hiểu được cuộc sống từ nhãn giới của một nền nhân bản Kitô giáo, và đi vào trong một diễn tiến của sự cứu độ cho chính họ và cho người khác, những người họ tới tiếp xúc. Một nền tảng quan trọng cho diễn tiến đào tạo này là sự hiểu biết về chính mình, việc từng người trẻ dấn thân vào trong chính diễn tiến của mình và phát triển căn tính của họ từ đặc sủng nhận được. Sự giúp đỡ tốt đẹp nhất là sống điều này trong một cộng đoàn ở đó việc cầu nguyện cá nhân, tình huynh đệ thực sự và sự dấn thân với Giáo Hội và với các thiếu nữ ngày nay là một thực tại có thể cảm nhận được”.
Sơ đã đề cập đến Công đồng chung Vatican II. Điều phong phú nhất Công đồng đã đem lại cho đời sống tu trì là gì?
“Tôi đã vào dòng ngay sau Công đồng Vatican II và tôi đã là một đứa con của Công đồng. Tôi nghĩ có những thách đố lớn. Mỗi khi tới Đền Thánh Phêrô, tôi đều cung kính cảm tạ Đức Gioan XXIII vì cuộc hành trình lớn trong đó ngài đã đưa Giáo Hội vào, kế đó là Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng của tuổi thanh xuân của tôi, trong thời kỳ tôi được đào tạo trong đời sống tu sĩ. Một trong những thách thức lớn là gắn đời sống trong quan hệ chặt chẽ hơn với thế giới và mở rộng cửa để sự phong phú của nền văn hoá thời hiện đại có thể đi vào. Đời sống tu sĩ rộng mở và gắn chặt hơn với thế giới, việc “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian”, như Đức Giêsu đã nói. Một nhiệm vụ khác là trở về nguồn, canh tân đặc sủng, bởi vì, đặc sủng, cũng như Tin Mừng, luôn luôn mới mẻ. Ngày nay, sau 50 năm, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục đáp lại “điềm thời đại”, hay điều Thiên Chúa và người trẻ tiếp tục đòi hỏi nơi chúng tôi. Như chúng tôi đã phát biểu tại Tu nghị: nhiệm vụ là sống niềm tin của chúng ta và cuộc sống tu sĩ của chúng ta trong một cách thức nhất quán hơn. Một trong những cột trụ là sự ưu tiên của Thiên Chúa trong sứ vụ”.
Có những phận sự nào khác nữa không?
“Một phận sự lớn khác nữa là sống con đường thánh thiện trong cái bình thường của cuộc sống, bởi vì chúng tôi tin rằng tình huynh đệ là một dấu chỉ cho thế giới ngày nay, ở đó, các mối quan hệ đã trở thành khó khăn hơn. Chúng tôi được mời gọi để sống sự hiệp thông trong sự đa dạng, như chị em yêu thương và giúp đỡ nhau. Và phận sự thứ ba là thực hiện hoạt động mục vụ theo một cách thức mới mẻ. Phúc âm hoá là giới thiệu Tin Mừng, nhưng làm thế nào để diễn tả ngôn ngữ của Đức Giêsu cho thời đại mới này? Chúng tôi đã triển khai một kế hoạch mục vụ để người trẻ có thể đi vào trong sự tiếp xúc với chính mầu nhiệm của họ, khám phá ra Thiên Chúa của Đức Giêsu, và có thể tìm thấy ở Ngài những cầu trả lời cho những thách thức này”.
Sơ nghĩ gì về việc Tân Phúc âm hoá tại châu Âu?
“Con đường này xem ra khó khăn hơn. Khi tôi nghĩ tới châu Âu, nơi sản sinh ra bao nhiêu vị thánh và là nơi niềm tin Kitô giáo đã được sống với lòng sốt sắng biết bao, thì tôi lại nghĩ tới các môn đệ thành Emmau đã chạy trốn, khi đứng trước khó khăn và sự sụp đổ của lý tưởng theo đuổi. Chúng tôi biết là tin và làm môn đệ của Đức Giêsu khi người ta vỡ mộng quả là khó khăn hơn. Tôi nghĩ con đường duy nhất để vực dạy hoạt động mục vụ là nhìn lại cách thức Thầy đối xử với các môn đệ của Người: đi tới gặp gỡ người dân, quan tâm tới tình cảnh của họ, lắng nghe và giúp họ tìm thấy ý nghĩa của những gì họ đang sống, dưới ánh sáng của Lời và trong Thánh Thể.
Tôi nghĩ rằng ở đây có nhiều thách đố. Người ta nhìn vào bản thân các người làm mục vụ. Ngày nay, nền tảng chính là việc làm chứng, người ta phải nhìn thấy chúng ta là những con người xác tín và diễn tả xác tín này trong cách thức chúng ta sống niềm tin của chúng ta, trong cách thức chúng ta sống điều chúng ta nói, trong cách thức chúng ta làm, trong cách thức chúng ta thống nhất con người và hành động của chúng ta. Người ta phải thấy được Thiên Chúa đích thực là trung tâm của đời sống chúng ta, Đức Giêsu là điểm quy chiếu của chúng ta và Đức Maria là người phụ nữ chúng ta chiêm ngắm. Thách đố thứ hai là tình huynh đệ: các nữ tu và giáo dân phải hiệp nhất với nhau và dấn thân trong nhiệm vụ cung cấp cho người dân một mái nhà, một nền đào tạo, một công việc làm. Họ cần được gặp gỡ những con người tin ở họ, biết dựa vào họ. Thách đố thứ ba là phải để họ là chính họ và hướng họ tới sự siêu việt, bất kể tôn giáo của họ, như vậy họ khám phá ra rằng họ có những mục tiêu đời đời.
Đây là lúc tiến lên phía trước với “con mắt gắn chặt vào Đức Giêsu”. Để chiêm ngắm cách Người làm, cách Người thương yêu, cách Người phục vụ. Nếu chúng ta muốn việc Tân Phúc âm hoá đến được với con người ngày nay, tôi không nghĩ là chúng ta sẽ có thể làm được nếu chúng ta không có trong đầu điều Thánh Vicenta Maria nhắc nhở chúng ta: “chiêm ngắm Đức Giêsu khi Người rảo bước khắp các nẻo đường Galilê”. Galilê ngày nay là toàn thế giới, và trên những nẻo đường ấy, chỉ có khởi đầu từ Đức Giêsu, và tin tưởng nơi Người và được Người nâng đỡ, chúng ta mới có thể bước đi cùng nhau, với anh chị em giáo dân, phục vụ người trẻ”.
Tu sĩ dòng Đa Minh
“Các tu sĩ dòng Đa Minh muốn học hỏi từ những người không được đếm xỉa tới”, đó là phát biểu của cha Bruno Cadoré, bề trên dòng Giảng thuyết, trong bài trả lời phỏng vấn của tờ La Croix, do Parclaire Lesegretain thực hiện, nhân dịp Tổng tu nghị của dòng diễn ra tại Croatia từ 22/7 đến 8/8/2013. Cha Bề trên mong muốn 6.000 tu sĩ của dòng Đa Minh trở về nguồn, sống đặc sủng của mình là loan báo Tin Mừng cho “người tội lỗi, kẻ bị quên lãng và người ở xa nhất”.
Một cách cụ thể, dòng Đa Minh hiểu thế nào về giảng thuyết ngày nay?
“Đặc sủng này được biểu hiện trước tiên bởi đời sống huynh đệ, gần gũi và bằng hữu của các tu sĩ chúng tôi. Trở về nguồn như vậy có nghĩa là xem xét kỹ cách thức các cộng đoàn của chúng tôi đáp lại mầu nhiệm Lời. Việc giảng dạy đối với chúng tôi cũng là học hỏi từ nhân loại: cũng như các tu sĩ Đa Minh đầu tiên được gửi tới các đại học thời trung đại không phải để giảng dạy mà là để học; ngày nay, chúng tôi cũng đi tìm những môi trường mới để học hỏi. Đặc biệt nơi những con người không được đếm xỉa tới, những kẻ không có tiếng nói, những kẻ ở “ngoài rìa”, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói đến”.
“Về điểm này, thánh Đa Minh nêu lên ba điều kiện khi ngài khẳng định rằng sẽ không có rao giảng Tin Mừng nếu “không có người tội lỗi, không có những kẻ bị quên lãng và không có những kẻ ở nơi xa xôi nhất”. Thực tế, chính ngài đã muốn đi giảng Tin Mừng cho người Cuman, những cư dân sống ở mút cùng xứ Scandinavi. Và qua thực tế của đời sống huynh đệ, tất cả chúng tôi được trải nghiệm mình là những kẻ tội lỗi, chúng tôi đã không biết nghe tiếng nói của kẻ khác, và chúng tôi cũng không gần gũi như chúng tôi muốn. Bởi vậy, các cộng đoàn của chúng tôi trước tiên không phải là những chứng tá về sự hoàn hảo, mà là những môi trường cho việc đào sâu sự hiệp thông. Việc chuẩn bị cho đại lễ này, ba năm tới đây, do đó, phải dẫn chúng tôi đi trên con đường sự thật và của lòng khiêm tốn”.
Nói thế chẳng phải là các tu sĩ đã rời xa con đường này?
“Tất cả đều có nguy cơ dừng lại… và rồi, trong Giáo Hội hiện nay, nhiều khi người ta có khuynh hướng dán mắt vào tường, trong khi ơn gọi của tu sĩ Đa Minh chính là nhìn ra cửa và bước ra mở cửa! Lãnh nhận một đặc sủng trong Giáo Hội, không có nghĩa là giữ đặc sủng này cho riêng mình, mà là phục vụ đặc sủng này cùng với người khác. Đối với chúng tôi, vấn đề là hợp tác với tất cả những ai khám phá thấy rằng: là Kitô hữu, chính là chia sẻ Tin Mừng, đặc biệt, với toàn bộ gia đình tu sĩ Đa Minh (đan tu, nữ tu truyền giáo và giáo dân), và rộng rãi hơn, với tất cả anh chị em giáo dân, đặc biệt, người trẻ, những người cùng mang Lời với chúng tôi.
“Để làm điều này, chúng tôi phải củng cố việc học hỏi và chiêm niệm Lời, đặc biệt bằng cách tái cơ cấu các trung tâm nghiên cứu thần học của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn có thể củng cố ơn gọi học hỏi và tạo phương tiện cho anh chị em làm thần học của chúng tôi trong chiều hướng dấn thân hơn nữa cho cuộc đối thoại với các vấn đề mục vụ. Trong năm trăm năm qua, những tu sĩ Đa Minh đã từng đi theo những người đi chinh phục tới Tân Thế giới, nhận thấy sự mâu thuẫn giữa Lời Chúa được rao giảng cho các người bản xứ và cách cư xử bất xứng họ phải chịu, đã buộc các nhà thần học và luật gia ở Salamanque suy nghĩ lại về các nền tảng của phẩm giá con người.
“Ngày nay cũng vậy, chúng tôi có bổn phận khám ra những môi trường ở đó nhân phẩm bị chà đạp để đưa vào đó cuộc đối thoại thần học. Bằng cách nối thần học với giảng dạy, các tu sĩ Đa Minh có một vai trò thiết yếu phải chu toàn là suy nghĩ về một thế giới ở đó mọi người có thể ở được. Có nhiều điều phải làm để thần học, vốn chứa chất một truyền thống khôn ngoan, có thể đồng thanh với các ngành học”.
Dòng Salêdiêng
Cha Filiberto González là người phụ trách việc truyền đạt các thông tin về Tổng tu nghị của dòng Salêdiêng. Trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Zenit (Zenit.org 19/7/2012), cha đã cho biết tình hình hiện nay của dòng và nhất là việc canh tân nỗ lực của dòng để đáp lại lời Đức Bênêđictô XVI kêu gọi Phúc âm hoá, với một điểm nhấn đặc biệt về việc phúc âm hoá giới trẻ, như ơn gọi của dòng đòi hỏi.
Đặc sủng của dòng?
“Đặc sủng của dòng là giáo dục và Phúc âm hoá người trẻ, đặc biệt những người nghèo nhất. Trong nỗ lực giáo dục và Phúc âm hoá, chúng tôi nhắm làm cho họ hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương họ, rằng họ có tầm quan trọng trong Giáo Hội. Chúng tôi cố gắng luôn trung thành với ơn gọi của dòng, với tư cách người loan báo Tin Mừng, nhà giáo dục và người thông truyền tình yêu thương của Thiên Chúa. Đối với chúng tôi, đó là ba yếu tố trung tâm”.
Tại Italia đã có nhiều thay đổi kể từ thời Thánh Don Bosco. Phải chăng đã có sự thay đổi về đặc sủng?
“Cũng vẫn là đặc sủng ấy tại Italia cũng như trên toàn thế giới. Tại Italia, cũng như tại các nơi khác, chúng tôi luôn cố gắng trung tín với suối nguồn của mình: Tin Mừng và đặc sủng Don Bosco đã nhận được. Đúng là tại Italia, chúng tôi có mở một số đại học và các loại trường, đặc biệt các học viện kỹ thuật, ở đó người trẻ có thể học nghề để trở thành “những người Kitô hữu tốt và những người công dân lương thiện”. Ngoài ra, đặc sủng của dòng cũng được thi thố tại các giáo xứ, nhà cầu nguyện và trong mọi nỗ lực hoà mình với nỗ lực của Giáo Hội tại Italia. Chúng tôi cũng mở một số trung tâm dành cho trẻ em nghiện ma tuý, nhưng tạ ơn Chúa, không nhiều, tuy nhiên, đây cũng là những trẻ em nghèo khổ nhất. Nhiều em trong số này là người Italia, nhưng cũng có cả những người nhập cư”.
Và tại các nước khác?
“Chúng tôi hoạt động với các loại trường và đại học, tại giáo xứ, tại các trung tâm và tại những nơi mà mọi cư dân đều là người nghèo khổ. Tại Brazil, chẳng hạn, có 28 giám mục dòng Salêdiêng. Các ngài ở đâu? Đa số các ngài hoạt động tại các lãnh thổ truyền giáo”.
Đóng góp của dòng cho công cuộc Tái Phúc âm hoá và các tu sĩ của dòng sống sứ vụ này thế nào vì các tu sĩ vẫn luôn là những nhà rao giảng Tin Mừng?
“Chúng tôi có hai điểm khởi hành trong công cuộc Tân Phúc âm hoá. Thứ nhất là lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào đầu triều giáo hoàng của ngài, trong những bài diễn văn của ngài tại Ba Lan, tại châu Mỹ, tại Santo Domingo. Kế đó, vào năm 2000, Đức hồng y Ratzinger sau trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong một lời kêu gọi sâu sắc nhắc nhở về ơn gọi loan báo Tin Mừng của Giáo Hội: công bố Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối, tính ưu việt của Vương quốc của Ngài, hoạt động với tư cách những kẻ phục vụ con người và làm chứng điều này trong một nền văn hoá vốn đang biến đổi”.
Và câu trả lời của Dòng?
“Tám hay mười năm qua dòng chúng tôi đã kết hợp với Giáo Hội cổ vũ điều chúng ta gọi là “Dự án châu Âu” với ba giai đoạn lớn.
Thứ nhất là sự trở lại của cá nhân và cộng đoàn với Tin Mừng và với đặc sủng của dòng Salêdiêng. Điểm xuất phát không phải là tổ chức mà là trở lại. Thứ hai là tái cấu trúc sự phân bố và định ranh giới cho sự có mặt của chúng tôi. Ở Âu châu, chúng tôi được tổ chức thành ba miền lớn, nhưng như thế chưa đủ. Chúng tôi còn phải xem mình có thể đáp ứng đặc sủng của chúng tôi làm sao và hoạt động cho những nhu cầu mới của giới trẻ.
Thứ ba: là thành phần của Giáo Hội loan báo Tin Mừng, chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của Dòng hướng về châu Âu để hoạt động với tư cách những người rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ nhân Danh Đức Kitô và Hội Thánh của Người.
Người trẻ cần đến tình yêu thương của Thiên Chúa và chúng tôi cần những người cho họ thấy được tình yêu thương này. Chúng tôi thực thi lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để trở thành những tu sĩ Salêdiêng chiêm niệm, những người tìm kiếm Chúa; những tu sĩ ngôn sứ với một đời sống cá nhân và cộng đoàn chân thật và huynh đệ vốn nảy sinh từ việc làm con cái Thiên Chúa; những tu sĩ phục vụ đồng loại, đặc biệt, những người trẻ gặp khốn khó nhất, cách riêng những kẻ không có Thiên Chúa, những kẻ đã quên Ngài.
Mối quan hệ của Dòng với Đức giáo hoàng?
“Tình yêu thương quý trọng” của chúng tôi đối với Đức giáo hoàng nảy sinh từ Don Bosco, đây là lời khấn thứ tư, ý thức rằng gắn với ngài chúng tôi được gắn với Giáo Hội và trung tín với Tin Mừng. Một sự kiện: Vào tháng 5/2009, ngày lễ Đức Mẹ cứu giúp các Kitô hữu, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết một bức thư gửi tất cả người trẻ trên thế giới về Ngày Thế giới Truyền thông xã hội, với chủ đề “Kỹ thuật mới, quan hệ mới. Cổ vũ một nền văn hoá của sự kính trọng, đối thoại và hữu nghị”. Chúng tôi có cảm giác là chính thánh Gioan Bosco đã viết bức thư này vì tình thương yêu ngài gửi tới giới trẻ, và lời mời gọi gửi tới họ”.
Lời mời gọi của Đức giáo hoàng là gì?
“Đức giáo hoàng viết: Ta giao phó cho các bạn trẻ vốn biết rõ những người đương thời của chúng con hơn chúng ta, việc Phúc âm hoá lục địa “số”, một thực tại mới ở đó đa số người trẻ tin và không tin của thế giới sinh sống”.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 79 (Tháng 11 & 12 năm 2013)
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận