Đức tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay của Đức Thánh Cha (ĐTC)  Bênêđictô XVI là một nỗ lực quảng diễn đức tin tông truyền trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ sao cho phù hợp với thế giới hôm nay. Khi viết cuốn sách này ĐTC bấy giờ còn rất trẻ, khoảng hơn 40 tuổi, nhưng đã là một giáo sư nổi tiếng và rất vững vàng về nhiều mặt, đặc biệt trên bình diện tư duy triết học. Con người này đã không ngừng để cho đức tin Công giáo của chính mình đối thoại với các trào lưu tư tưởng đương đại. Bài viết đây chỉ là một trích đoạn nhỏ trong cuốn sách nói đến “Cái nhìn mới về Thiên Chúa của các triết gia”.

Chúng ta cần lưu ý tới một khía cạnh khác trong tiến triển của đức tin. Khi lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa của các triết gia, và coi đó là vị Thiên Chúa mà con người có thể dâng lời cầu nguyện và là Đấng ngỏ lời với con người, thì rõ ràng đức tin Kitô đã hiểu Thiên Chúa của các triết gia theo một nghĩa hoàn toàn mới. Thiên Chúa của các triết gia đã bị biến đổi cách sâu xa, không còn mang nét của tri thức hàn lâm thuần túy nữa. Trong triết học cổ thời, Thiên Chúa được coi như Hữu Thể vô tính, như Ý Niệm tối cao và tối hậu hoặc được hiểu như là Hữu Thể thuần túy, như là Tư Tưởng đơn thuần, mãi mãi quanh quẩn với chính mình, chẳng màng gì đến con người và cái thế giới nhỏ nhoi của nó. Thế nhưng vị Thiên Chúa của các triết gia đó, vị Thiên Chúa vĩnh hằng, bất biến và vì thế loại trừ mọi tương quan với những gì là đổi thay và biến dịch, giờ đây dưới cái nhìn của đức tin, lại trở nên vị Thiên Chúa của con người. Thiên Chúa là Agape (tình yêu trao hiến), là quyền năng sáng tạo của tình yêu, chứ không chỉ đơn giản là Tư Tưởng tuyệt đối hay như nguyên lý toán học muôn thuở của vũ trụ. Theo nghĩa này, trong đức tin kitô có điều gì đó tương tự như điều mà Pascal một đêm kia đã cảm nghiệm và đã ghi lại trên một mảnh giấy : “Lửa. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp, chứ không phải là Thiên Chúa của các triết gia và của các bậc trí giả”.[1] Mảnh giấy đó ông đã khâu vào phía trong chiếc áo vét, để mãi mãi mang theo. Đứng trước vị Thiên Chúa mà theo dòng thời gian lại bị quan niệm như thể một nguyên lý toán học, Pascal sống lại kinh nghiệm “Bụi Gai” và hiểu rằng, sở dĩ Thiên Chúa có thể chi phối trật tự vũ trụ như một nguyên lý toán học vĩnh cửu cũng bởi vì Ngài là vị Thiên Chúa của Tình Yêu sáng tạo, là Bụi Gai rực cháy, nơi đã vang lên một Danh khôn ví, và với Danh đó, Ngài đi vào lòng thế giới nhân sinh. Theo nghĩa này, Thiên Chúa của các triết gia được cảm nghiệm theo một nghĩa khác với những gì mà các triết gia quan niệm về Thiên Chúa, dù đó vẫn chính là vị Thiên Chúa mà họ đã nhận ra. Như thế, chúng ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa thực sự khi chúng ta hiểu được rằng, Ngài là Sự Thật, là Nguyên lý của mọi hữu thể và đồng thời Ngài cũng là Thiên Chúa của niềm tin, Thiên Chúa của con người.

Để hiểu được quan niệm Thiên Chúa của các triết gia đã bị biến đổi như thế nào khi được đồng hóa với Thiên Chúa của niềm tin, có lẽ chúng ta chỉ cần đọc lại một bản văn kinh thánh nào đó có nói về Thiên Chúa. Chẳng hạn, nơi Luca 15,1-10 với dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị đánh mất”. Câu chuyện khởi đầu với việc các kinh sư và những người Pharisiêu cảm thấy khó chịu trước việc Đức Giêsu đồng bàn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời, Ngài kể cho họ câu chuyện về người có một trăm con chiên nhưng bị lạc mất một con. Người đó đã lên đường tìm kiếm và khi tìm được thì mừng rỡ vì con chiên đó hơn là vì chín mươi chín con mà mình chẳng bao giờ mất công đi tìm. Câu chuyện về đồng bạc bị đánh mất cũng mang một ý nghĩa tương tự : “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (15,7). Với dụ ngôn này, Đức Giêsu vừa biện chính vừa trình bày cho thấy công việc cũng như sứ mạng của Ngài trong tư cách là Đấng được Thiên Chúa sai đến, hơn nữa, câu chuyện cũng đồng thời đặt lại vấn đề về mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, cũng như cho thấy Thiên Chúa thực sự là Đấng như thế nào.

Nếu cố gắng rút ra ý nghĩa chính của bản văn thì chúng ta có thể nói rằng : Thiên Chúa mà chúng ta gặp ở đây cũng như trong rất nhiều bản văn Cựu Ước, có vẻ quá nhân hình hóa và rất xa với thế giới triết học. Ngài có những cảm xúc như con người : mừng rỡ, tìm kiếm, chờ đợi, chạy ra đón. Ngài không vô cảm như nguyên lý toán học của vũ trụ, cũng không phải là Công Lý theo nghĩa vô hồn, đứng trên cao phán xét sự vật và không để mình xao xuyến bởi những cảm xúc của tâm hồn. Ngược lại, Ngài có một trái tim, Ngài đứng đó với trái tim yêu thương và cũng hành xử lạ lùng như kẻ đang yêu. Như thế, một đàng chúng ta thấy rõ ràng quan niệm thuần túy triết học đã bị biến đổi như thế nào, và đàng khác, chúng ta ý thức hơn về giới hạn của mình trong việc nhận ra sự đồng nhất giữa Thiên Chúa của niềm tin và Thiên Chúa của các triết gia. Phải chăng đó cũng là lý do tại sao chúng ta thường quan niệm sai về Thiên Chúa cũng như thường hiểu sai về nội dung chính yếu của đức tin Kitô giáo.

Phần lớn con người ngày nay vẫn dễ dàng nhìn nhận về sự hiện hữu của một “Hữu Thể tối cao” nào đó, dưới hình thái này hoặc hình thái khác. Thế nhưng, một Hữu Thể như thế mà lại quan tâm đến con người thì quả là một ý tưởng không hiểu nổi, ngay cả kẻ muốn tin đi nữa thì cũng không khỏi nghĩ rằng, đó chỉ là một quan niệm nhân hình ngây thơ (anthro-pomorphisme), một não trạng tư tưởng còn sơ khai và có thể hiểu được khi con người còn sống trong một vũ trụ bé nhỏ, và trong vũ trụ đó, trái đất là trung tâm của mọi sự, còn Thiên Chúa thì chẳng phải làm gì khác ngoài chuyện từ trên cao ngó xuống. Nhưng thời nay, một quan niệm như thế dễ bị coi là ngớ ngẩn, bởi lẽ tất cả những điều đó bây giờ chúng ta biết là hoàn toàn sai, trái đất có là gì trong vũ trụ mênh mông, còn con người thì cũng chỉ như hạt bụi so với chiều kích vũ trụ, vậy thì làm sao Hữu Thể tối cao lại bận tâm đến nhân loại, đến cái thế giới nhỏ nhoi, thảm hại của con người, đến những lo toan hoặc chuyện tội lỗi hay không tội lỗi của họ. Thế nhưng, nếu chúng ta nghĩ như thế và cho rằng quan niệm của mình mới là cách quan niệm đúng về Thiên Chúa thì thực ra chúng ta đã nghĩ về Ngài một cách quá phàm tục và tầm thường, làm như thể Thiên Chúa rốt cuộc cũng phải lựa chọn, chứ nếu không thì Ngài sẽ mất đi cái nhìn bao quát. Nói khác đi, chúng ta quan niệm Thiên Chúa cũng có ý thức giới hạn như chúng ta, nghĩa là phải dừng lại ở một điểm nào đó chứ không thể bao trùm tất cả.

Trước lối quan niệm hẹp hòi đó, có lẽ cần nhắc lại câu nói mà Holderlin đã dùng làm đề từ cho truyện Hyperion của mình thì chúng ta mới hiểu được thế nào là sự vĩ đại của Thiên Chúa theo cái nhìn kitô giáo : “Non coerceri maximo, conti-neri tamen a minimo, divinum est – không bị cầm hãm bởi điều lớn lao nhất, nhưng lại khép mình trong điều nhỏ bé nhất, đó mới là thần linh”. Thần trí vô biên mang nơi mình tất cả hữu thể, vì thế siêu vượt tất cả, đến nỗi những gì là lớn lao cũng trở thành nhỏ bé ; và những gì nhỏ bé nhất thì Thần trí đó vẫn đạt thấu, bởi lẽ chẳng có gì là quá nhỏ bé đối với Thần trí vô biên. Vượt trên điều lớn nhất và thấu tận điều nhỏ nhất, đó mới đúng là Tinh Thần tuyệt đối. Ở đây, chúng ta còn thấy có sự đảo lộn giá trị giữa maximum và minimum, giữa điều vĩ đại nhất và điều nhỏ bé nhất, và chính sự đảo lộn giá trị này mới là nét đặc trưng của quan điểm kitô giáo về thực tại. Đối với vị Thiên Chúa là Tinh Thần tuyệt đối, đỡ nâng và bao trùm cả hoàn vũ, thì cả giải ngân hà cũng chẳng lớn lao bằng một tinh thần, bằng một trái tim của con người. Như thế cũng có nghĩa là sự vĩ đại, cao cả không còn được đo lường theo các tiêu chuẩn về lượng, nhưng là theo một trật tự mới, trong đó, cái vô cùng nhỏ mới đích thực là cái cao cả, lớn lao.[2]

Còn một định kiến nữa mà chúng ta cũng cần phải vạch trần ở đây. Chúng ta thường cho rằng – theo suy nghĩ tự nhiên – điều vô cùng cao cả hay Tinh Thần tuyệt đối thì cũng như nguyên lý toán học chi phối vũ trụ, làm sao lại có thể có tình cảm hay tình yêu đam mê được. Cũng vì thế, chúng ta mặc nhiên cho rằng suy tư đơn thuần thì cao cả hơn là yêu thương, trong khi sứ điệp Tin Mừng và cái nhìn của đức tin kitô về Thiên Chúa thực ra đã sửa lại quan niệm của triết học và cho thấy rằng : Tình yêu vượt trên tư tưởng đơn thuần. Tư tưởng tuyệt đối không phải thứ tư tưởng vô cảm, dửng dưng, mà là tình yêu, và là tình yêu sáng tạo, bởi tình yêu là thế.

Nói tóm lại, đức tin kitô giáo đứng về phía Thiên Chúa của các triết gia nhưng đồng thời sửa đổi quan niệm của các triết gia về hai điểm chính yếu :

       a. Thiên Chúa của các triết gia tự bản chất chỉ qui về mình, chỉ chiêm ngắm chính mình. Ngược lại, Thiên Chúa của đức tin chỉ có thể hiểu xuyên qua phạm trù tương quan. Ngài là sức mạnh sáng tạo bao trùm toàn thể thực tại và do đó hình ảnh về thế giới cũng như trật tự của thế giới xuất hiện dưới một ánh sáng mới mẻ : Hữu thể tối cao không phải là hữu thể tách rời, tự mãn, tự tại. Đúng hơn, cách thế hiện hữu cao cả nhất của Hữu Thể hàm chứa một yếu tố căn yếu, đó là tương quan. “Tối cao” giờ đây không còn được hiểu là “tuyệt đối”, nghĩa là độc lập, tự mãn và khép kín nơi mình, nhưng hàm chứa tương quan, hàm chứa sức mạnh sáng tạo, sáng tạo nên các thực tại khác để nâng đỡ, để yêu thương… Chẳng cần phải nói, một quan niệm như thế hẳn là một cuộc cách mạng làm đổi thay toàn bộ hướng sống của con người.

       b. Thiên Chúa của các triết gia là Tư Tưởng thuần tuý : Sở dĩ người ta đi đến quan niệm như thế cũng vì nghĩ rằng, tư tưởng và chỉ có tư tưởng mới là thần linh. Còn Thiên Chúa của đức tin là Tư Tưởng, nhưng là Tư Tưởng biết yêu thương. Quan niệm này xuất phát từ xác tín căn bản : Tình yêu mới thần linh.

Logos của mọi vũ trụ, Tư Tưởng uyên nguyên sáng tạo cũng đồng thời là Tình Yêu. Vâng, chỉ có Tư tưởng như thế mới sáng tạo, bởi lẽ vì là Tư Tưởng nên Ngài là Tình Yêu và vì là Tình Yêu nên Ngài là Tư Tưởng. Nói khác đi, giữa Tình Yêu và Tư Tưởng có sự đồng nhất uyên nguyên, và vì thế khi được thể hiện cách viên mãn thì hai điều đó không chỉ nằm cạnh nhau hay đối lập với nhau mà là nên một với nhau, và đó mới là Tuyệt Đối.

TRÍCH :  Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức tin kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.145-151.


[1] Bản văn mang tựa đề “Mémorial” trong R. Guardini, Christliches Bewusstsein, München, 1950, 47.

[2] Nguồn gốc của “văn bia Loyola” mà Holderlin trích dẫn đã được K.Rahner giải thích, “Die Grabschrift des Loyola”, trong Stimmen der Zeit, 72 Jahrgang, tập 139 (Februar 1947), tr. 321-337 : Lời trích dẫn nằm trong tác phẩm : Imago primi saeculi Societatis Jesu a Provincia Flandro-Belgica ejusdem Societatis repraesentata, Antwerpen, 1640. Người ta tìm thấy trong các trang 280-282 một Elogium sepulcrale Sancti Ignatii, do một tu sĩ Dòng Tên trẻ người flamand viết, không đề tên, trong đó có câu văn trên ; xem thêm Holderlin, III (éd. F. Beissner), Stuttgart, 1964, tr. 346 t. – Ý tưởng trên cũng nằm trong rất nhiều bản văn của Do Thái giáo về sau ; Về vấn đề này, P. Kuhn, Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen, München, 1968, nhất là các trang 13-22.