Thánh An-xen-mô, giám mục, tiến sĩ hội thánh
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Anselmô, vị giám mục tiến sĩ Hội thánh, thường được gọi là “Giáo phụ kinh viện”. Ngài sống vào thế kỷ XI, xuất thân từ hàng quí tộc phong kiến: Thân phụ là vị lãnh chúa vùng Aoste và thân mẫu liên minh với dòng họ Savoie. Ngài sinh năm 1033; được hấp thụ nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức tại Đan viện Aoste vào năm 1056: chính nơi đây, ngài đã tìm kiếm Chúa và dâng mình cho Người trong đời sống đan tu. Nhưng các áp lực của thân phụ buộc ngài phải từ bỏ lối sống này. Sau một thời gian đầy xao xuyến, chàng trai trẻ trốn sang Bourgogne, rồi qua Normandie. Tại đó, vào năm 1060, ngài vào Đan viện xứ Bec, dưới sự hướng dẫn của viện phụ đồng hương Lanfranc de Pavie. Sau khi vị này được bầu làm viện phụ ở Caen, Anselmô được đề cử vào chức vụ bề trên, rồi viện phụ tại Bec năm 1079. Tại đây, ngài nổi tiếng do biệt tài thuyết giảng và các cải cách của ngài về đời sống đan tu. Theo yêu cầu của các đan-sĩ, ngài viết một loạt các tác phẩm về những vấn đề tri thức và thần bí tương đối mới mẻ như: Monologion, Proslogion,.v.v. Tuy nhiên, nhân chuyến sang nước Anh, ở đó Lanfranc đang làm Tổng giám mục giáo phận Cantorbéry, Anselmô được mời gọi thay thế ngay sau khi ngài qua đời năm 1089.
Do cuộc xung đột về thẩm quyền cắt cữ phẩm hàm giám mục giữa giáo triều và hoàng triều, Anselmô trở thành kẻ thù nghịch của vua Guillaume II le Roux: vua này thật sự không công nhận Đức Giáo Hoàng Urbain II nên thánh nhân đã chống lại nhà vua. Trường hợp đối với vua Hen-ri I cũng thế. Ông này ngăn cản các cuộc cải cách của ngài. Vì thế, ngài đã bị lưu đày ít nhất là hai lần vào những năm 1098 và 1103. Sau cùng, ngài được trở về giáo phận Cantorbéry và qua đời tại đó ngày 21 tháng 4 năm 1109 hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi. Chúng ta nhận được các tác phẩm của ngài nhờ Eadmer, nhà viết tiểu sử về ngài. Các tác phẩm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ trên người đương thời. Chúng ta nhận ra ngài là kẻ tiên phong về lòng sùng đạo sâu sắc ở thời trung cổ.
Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện Tổng giám mục Anselmô thành Cantorbéry đang khuyến cáo một người bất lương, hay đang thị kiến Đức Mẹ Maria hoặc đỡ nâng con tàu.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện riêng đề cao đặc điểm của thánh Anselmô là người được ơn “tìm hiều và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa”. Nên chúng ta cầu xin Chúa “ban ơn đức tin để soi sáng trí tuệ chúng ta, nhờ đó, tâm hồn chúng ta sẽ say mê những điều Chúa mặc khải”. Thật vậy, thánh đan sĩ đã xác định việc nghiên cứu triết học nhằm giải thích đức tin (Fides quaerens intellectum = đức tin đòi hỏi trí tuệ). Ngài cũng khẳng định rằng cần phải tin rồi mới hiểu (credo ut intelligam = muốn hiểu tôi phải tin) cho đến khi “nếm hưởng” được chân lý mình đang tin.
Các suy tư thần học của ngài chắc chắn là phần quan trọng nhất trong truyền thống Đan viện Phương Tây. Sự kế thừa các suy tư ấy sẽ trở thành di sản của kinh viện về sau: chỉ vào thế kỷ XIV thánh Anselmô mới có được tầm ảnh hưởng quan trọng trong tư cách là nhà thần học kiêm tác giả sách tu đức.
Chúng ta cũng có thể nhấn mạnh đến tính ưu việt của “lẽ khôn ngoan” được đề cao trong các tác phẩm và lời giảng dạy của ngài: tư tưởng của ngài là điểm tiếp giáp giữa thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô. Trích sách Minh giải (Proslogion) – được các Bài đọc – Kinh sách nêu lên – cho chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan khi kiếm tìm sự chiêm niệm. Sự tìm kiếm này không phải do tính hiếu kỳ đơn thuần để thỏa mãn các đòi hỏi của trí tuệ hay chỉ để tư duy về mặt triết học vì: “Hồn tôi ơi, bạn đã gặp thấy điều bạn tìm kiếm chưa? Bạn đã tìm Thiên Chúa và bạn đã thấy rằng Người là tuyệt đỉnh của mọi loài và người ta không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn Người được nữa…”
Thánh Anselmô đã được Đức Giáo Hoàng Clément XI tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh năm 1720. Là nhà triết học, thần học, đan sĩ và là mục tử, ngài còn được gọi là “nhà kinh viện hạng nhất”. Quả thật, ngài thiết lập trào lưu tư tưởng và phương pháp mà Abélard và Tôma Aquinô sẽ bảo vệ sau này. Các nhà viết tiểu sử về thánh Anselmô cũng gợi lại cho chúng ta nỗi băng khoăng của ngài hằng muốn hiệp thông với Rô-ma. Để đáp lại câu nói của vua nước Anh là Guillaume le Roux: “Thưa ngài giám mục, xin hãy nhớ điều này: không bao giờ ngài có thể liên kết lòng tuân phục của ngài đối với tôi, với lòng tuân phục của ngài đối với Giáo Hoàng, nghịch lại ý muốn của tôi được”, Anselmô liền nói: “Thưa hoàng thân, tôi thà bị lưu đày khỏi vương quốc của ngài hơn là bất tuân với Đấng kế vị thánh Phê-rô, cho dù chỉ trong một giờ thôi”. (A.Ragey, Hạnh sử thánh Anselmô).
Enzo Lodi
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận