Hành hương trực tuyến Vườn Giệtsimani, Núi Cây Dầu, Giêrusalem

Listen to this article

Hành hương trực tuyến Vườn Giệtsimani, Núi Cây Dầu, Giêrusalem

Do đại dịch coronavirus, đây là năm thứ hai những người hành hương trên khắp thế giới không thể đến Giêrusalem để tham dự các cử hành trong Tuần Thánh. Vì thế, các linh mục, tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, hay còn gọi là dòng Phanxicô, quản thủ Thánh Địa đã làm các videos hành hương trực tuyến. Trong chương trình này các ngài giới thiệu với chúng ta cuộc hành hương Mùa Chay đến vườn Giệtsimani.

Vườn Giệtsimani ngày nay gồm tám cây ô-liu có tuổi đời hàng thế kỷ nằm dưới chân Núi Ô-liu. Tên nguyên thủy của ngôi vườn theo tiếng Aramaic là “Gat Semãnê”. Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người. Gat Semãnê có nghĩa là “máy nghiền” cho ta thấy về sự hiện diện của các máy ép trái ô liu vào thời cổ đại.

Theo các Thánh sử Matthêu và Máccô, đây là nơi Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt khi đang cầu nguyện với các môn đệ sau Bữa Tiệc Ly.

Ngày nay, khi đến thăm khu vườn Giệtsimani, khách hành hương đến ba nơi, được bảo vệ bởi các tu sĩ dòng Phanxicô để kính nhớ những kỷ niệm đau đớn liên quan đến việc bắt giữ Chúa Giêsu vào đêm Ngài bị phản bội. Thứ nhất là hang đá Giệtsimani, thứ hai là vườn Cây Dầu và thứ ba là đền thờ Các Dân Nước. Từ cuối thế kỷ thứ ba, Giệtsimani đã được coi là nơi cầu nguyện của các tín hữu Kitô.

Cha Eugenio Alliata, nhà khảo cổ học của Studium Biblicum Franciscanum, nghĩa là Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Thánh của Dòng Phanxicô cho biết như sau:

“Chặng đầu tiên khi các tu sĩ Phanxicô cùng với những người hành hương khác đến Giệtsimani là đến vườn Giệtsimani. Đó là một khu vườn nhỏ có những cây ô liu cổ thụ, được gọi là ‘cây ô liu của người La Mã’”.

Gọi là cây ô liu của người La Mã có thể là vì những cây ô liu này đã đến Thánh Địa cùng với đội quân viễn chinh La Mã. Theo lịch sử, những cây ô liu này thuộc về những người chủ theo đạo Hồi ở Giêrusalem. Họ là những thương gia đến từ Bosnia đã mua mảnh đất này vào thế kỷ 17 và tặng lại cho các Kitô hữu với yêu cầu rằng các Kitô hữu cầu nguyện cho họ được may lành. Và vì thế nơi này đã được rào cẩn thận với các bức tường và trở thành một nơi dành riêng cho việc cầu nguyện.

Cha Alliata cho biết: “Sau đó, các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa muốn mở rộng vùng đất này, nên mua một khu đất liền kề, ở hướng nam. Trên vùng đất này cũng có một số cây ô liu thuộc hàng cổ thụ có thể được dùng làm nơi cầu nguyện. Nhưng chính tại nơi này, những gì còn sót lại của các nhà thờ cổ đã được đưa ra ánh sáng”.

Thật thế, trong quá trình khai quật, một nhà thờ từ thời Thập tự chinh đã được đưa ra ánh sáng. Có thể nhìn thấy những bức tường tuyệt đẹp và một phiến đá cũng được xác định là nơi tưởng niệm những người hành hương.

“Nhà thờ được khai quật này đã từng được đề cập trong các nguồn tài liệu khác nhau, trong những câu chuyện cổ xưa của những người hành hương, như là ‘nhà thờ cầu nguyện’ vì nhà thờ này là nơi kính nhớ biến cố Chúa Giêsu cầu nguyện tại vườn Giệtsimani cùng Chúa Cha: ‘Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha’ (Mt 26:39). Trọng tâm của địa điểm chính là lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu.”

Sau khi mua được mảnh đất về phía Nam, các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa đã có ý định xây dựng một nhà thờ đẹp đẽ, mới, thay cho những ngôi nhà thờ đã bị phá hủy từ thời Thập tự chinh, và một số dự án đã được thực hiện.

“Công việc bắt đầu ngay lập tức, nhưng trong khi họ đang đào nền móng cho việc xây cất ngôi nhà thờ mới này, những bức tranh ghép màu tuyệt đẹp đã xuất hiện. Đó là những gì còn lại của một nhà thờ lâu đời. Vì vậy, quyết định được đưa ra là xây dựng lại ngôi nhà thờ cổ nhất, có từ thời Byzantine, tức là thế kỷ thứ tư, và đã được nhắc đến bởi nhà hành hương nổi tiếng Egeria. Những bức tranh ghép này thực sự đã cho chúng ta ý tưởng về sự tráng lệ của ngôi nhà thờ này”.

Cha Alliata cho biết những bức tranh ghép này được thực hiện rất tốt và giữ được vẻ đẹp cho đến ngày nay.

Đền thờ Các Dân Nước, còn gọi là Đền thờ Thống Khổ, như chúng ta thấy ngày nay được xây dựng từ năm 1922 đến năm 1924. Để xây dựng nó, một số quốc gia đã hợp tác với các khoản tài trợ lớn, đó là lý do tại sao ngôi nhà thờ này được gọi là Đền thờ Các Dân Nước. Kiến trúc sư Barluzzi đã được giao nhiệm vụ thiết kế nhà thờ mới. Bức ảnh trên trần nhà này là hình của Barluzzi.

“Đây là tảng đá trung tâm của Đền thờ Các Dân Nước và theo phong tục Thiên chúa giáo, vị trí ở trung tâm, ngay trước bàn thờ, là một vị trí rất quan trọng chỉ dành cho những gì rất đáng tôn kính. Tảng đá này có một yếu tố đặc thù, thú vị nhất đối với lịch sử của Thánh địa. Tảng đá nằm ở trung tâm của đền thờ là thứ thu hút những người hành hương đến để tôn kính, không phải vì chính nó, nhưng vì chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện trên tảng đá này.”

Một bức khảm mô tả sự phản bội của Giuđa, trong khi bức khảm bên kia mô tả cảnh Chúa Giêsu bị bắt. Vì thế, đây là tảng đá của cầu nguyện, nơi chứng kiến sự phản bội, và biến cố Chúa Giêsu bị bắt.

Trên trần đền thờ có quốc kỳ của các quốc gia đã hợp tác xây dựng Vương cung thánh đường này. Nhưng bên cạnh đó cũng có một điều gây tò mò là chân dung của Barluzzi.

Từ năm 2012 đến tháng 11 năm 2013, Vương cung thánh đường đã trải qua một thời gian dài tu sửa. Dự án: “Giệtsimani: bảo tồn quá khứ và hình thành tương lai” đã chứng kiến việc khôi phục các bức tranh ghép quý giá.

Vào năm 2020, trong quá trình xây dựng một đường hầm nối giữa Đền thờ Thống Khổ, và Thung lũng Cedron, chúng tôi đã phát hiện một điều bất ngờ: đó là một mikveh, tức là một nhà tắm theo nghi lễ Do Thái Giáo có niên đại từ 2000 năm trước.

Các cuộc khai quật khảo cổ học do Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Thánh ở Giêrusalem và Cơ quan Cổ vật của Israel thực hiện, cũng đã đưa ra ánh sáng một nhà thờ Byzantine, là tàn tích thời Trung cổ của một tu viện hoặc một nhà tiếp đón khách hành hương cùng với một số bể chứa nước.

Cha Francesco Patton, bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh Địa cho biết:

“Khoa khảo cổ học trong trường hợp này đưa ra cho chúng ta những lời xác nhận về truyền thống đã truyền từ văn bản Kinh thánh. Và khi chúng ta có ba yếu tố này – văn bản Kinh thánh, truyền thống và khảo cổ học – chúng ta có thể nói rằng chúng ta có các yếu tố đủ chắc chắn để xác định các địa điểm”.

Những cây ô liu ở Giệtsimani cũng được các chuyên gia về sinh học và sinh lý học thực vật từ các trường đại học Ý và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia phân tích, theo yêu cầu của các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các khúc gỗ và cành của chúng có tuổi đời khoảng 900 năm, khiến chúng trở thành một trong những cây ô liu lâu đời nhất được biết đến. Nhưng chưa hết đâu: các cây ô liu thuộc về một giống ban đầu duy nhất và chúng cũng có cùng một DNA, có nghĩa là chúng được nhân giống từ cây mẹ.

Trong số những người hành hương Thánh Địa cũng có các vị Giáo hoàng. Các ngài đã tôn kính tảng đá thống khổ, và đã trồng một cây ô liu trong vườn Giệtsimani. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đến đây vào năm 1964, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 năm 2009, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014.

Nguồn: vietcatholicnews.net

Trả lời