Hỏi: Xin cha giải đáp rõ cho chúng con các câu hỏi sau đây: 1) Các Sách bài đọc và sách Tin Mừng của một số quốc gia (thí dụ: Hoa Kỳ) đã có câu “Đó là Tin Mừng của Chúa”, ở cuối bài đọc Thương Khó của Chúa nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi ở các quốc gia khác (thí dụ, Anh và xứ Wales) không in câu này vào cuối bài Thương Khó trong Sách bài đọc của họ. Liệu câu này được đọc hay không, hay thay đổi theo từng quốc gia? Đâu là lý do của sự khác biệt này? 2) Thứ tự rước kiệu cho một cuộc rước long trọng ngày Chúa nhật Lễ Lá là gì? Ở một số nơi, linh mục đi trước, ở các nơi khác, linh mục đi cuối cùng; ở một số nơi, linh mục cầm thánh giá rước kiệu, và ở các nơi khác, ngài cầm một nhánh lá thôi. Thưa cha, việc nào là đúng? – J. P., Bangalore, Ấn Độ.

Đáp: Về Tuần Thánh và trong Tuần Thánh, có rất nhiều câu hỏi không thể giải quyết kịp thời gian được. Chúng tôi sẽ cố gắng trả lời cho hầu hết các câu này trong các bài sắp tới.

Chữ đỏ trong Sách lễ Rôma để đọc bài Thương Khó của Chúa vào Chủ nhật Lễ Lá nói như sau:

“Trình thuật cuộc Thương Khó của Chúa được đọc mà không mang hương hay nến, không làm dấu thánh giá khi đọc, kết thúc không hôn sách. Bài được đọc bởi một phó tế hoặc, nếu không có phó tế, bởi một linh mục. Nó cũng có thể được đọc bởi các người đọc giáo dân, với phần của Chúa Kitô, nếu có thể, dành riêng cho một Linh mục. Các phó tế, chứ không phải các người khác, xin linh mục chúc lành cho mình trước khi hát bài Thương Khó, như ở các lúc khác trước bài Tin Mừng.”

Quy tắc tương tự được áp dụng vào Thứ Sáu Tuần Thánh:

“Sau đó, trình thuật cuộc Thương Khó của Chúa theo thánh Gioan (18: 1-19: 42) được đọc theo cách tương tự như vào Chúa nhật trước.”

“Sau khi đọc bài Thương Khó, Linh mục giảng ngắn gọn và cuối cùng, các tín hữu có thể được mời dành một thời gian ngắn để cầu nguyện.”

Như có thể thấy từ chữ đỏ, rõ ràng là không có đọc câu “Chúa ở cùng anh chị em”, không làm dấu thánh giá khi đọc, kết thúc không hôn sách. Tuy nhiên, chữ đỏ không chỉ định liệu có sự giới thiệu nào cho văn bản hoặc kết thúc nghi thức chăng.

Sau khi kiểm tra các quy định âm nhạc chính thức cho việc hát bài Thương Khó, và đã theo dõi sự thực hành tại Vatican và trong một số ngôn ngữ khác, tôi nghĩ rằng tôi có thể tự tin khi nói rằng việc thực hành là như sau:

– Người trình thuật sẽ nói hoặc hát: ‘Cuộc Thương Khó Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo thánh N’..

– Bài Thương Khó được hát.

– Vào cuối bài, câu “Đó là Lời Chúa” được nói hoặc hát với câu đáp của nó.

– Đây là việc thường làm của người đọc trình thuật; tuy nhiên, ở một số nơi, khi người đọc là giáo dân, linh mục đảm nhận phần của Chúa Kitô kết thúc bài đọc.

Đây dường như là sự thực hành chung, và thường được in trong Sách lễ nhỏ theo cách này. Tôi không biết tại sao nó bị bỏ qua trong một số phiên bản khác.

Về thứ tự của cuộc rước, tôi nghĩ rằng chữ đỏ là rõ ràng:

“Cuộc Rước vào nhà thờ, nơi thánh lễ sẽ được cử hành, được tiến hành theo cách thông thường. Nếu sử dụng hương, thì người thủ hương đi đầu, mang theo một bình hương và hương, sau đó là một thầy giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác, cầm cây thánh giá được trang trí bằng cành cọ theo phong tục địa phương, giữa hai thừa tác viên cầm nến sáng, sau đó là Phó tế mang Sách Tin Mừng, Linh mục cùng các thừa tác viên, và sau họ, tất cả các tín hữu mang cành lá đi theo. Khi đám rước tiến về phía trước, các bài thánh ca sau đây hoặc bài thích hợp để tôn vinh Chúa Kitô Vua được hát bởi ca đoàn và mọi người.”

“Một khi linh mục đến bàn thờ, ngài hôn bàn thờ và, nếu thích hợp, sẽ xông hương bàn thờ. Sau đó, ngài đến ghế chủ tọa và cởi áo choàng, nếu ngài đã mặc, và mang áo lễ. Bỏ qua các nghi thức đầu lễ và, nếu thích hợp, kinh “Xin Chúa thương xót chúng con’ (Kyrie), ngài đọc kinh Tổng nguyện, và sau đó tiếp tục Thánh lễ như bình thường.”

Thư luân lưu năm 1988 Paschalis Sollemnitatis về việc chuẩn bị và cử hành đại lễ Phục Sinh cũng có các nhận xét như sau:

“29. Việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem phải được cử hành cách long trọng ; các tín hữu nên bắt chước các trẻ em Do Thái khi tiến đến gặp Chúa Giêsu, vừa hát “Hosanna – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” vừa làm cử chỉ tung hô kèm theo.

“Cuộc rước kiệu có thể diễn ra chỉ một lần trước thánh lễ nào mà có số đông tín hữu tham dự nhất, ngay cả thánh lễ chiều Thứ Bảy hoặc là chiều Chúa Nhật. Cộng đoàn cũng có thể tập trung ở một nhà thờ nhánh, hoặc ở một nhà nguyện, hoặc một nơi nào thích hợp để rước kiệu lá về nhà thờ muốn cử hành Thánh Lễ.

“Trong cuộc rước kiệu lá, các tín hữu cầm lá trong tay. Linh mục chủ tế và các thừa tác viên cũng cầm lá đi trước mọi người.

“Lá cầm đi kiệu phải được làm phép. Rồi sau đó, lá phải được mang về lưu giữ ở gia đình nhằm nhắc nhớ về sự chiến thắng của Chúa Kitô.

“Các vị mục tử lo liệu làm sao để cuộc rước kiệu lá tôn vinh Chúa Kitô Vua mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng của tín hữu” (Bản dịch Việt ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam.)

Do đó, trong hoàn cảnh bình thường, linh mục đi đầu (nhưng không phải là người thứ nhất) trong cuộc rước. Một thứ tự rước tương tự cũng tiên liệu cho nến Phục Sinh đi vào nhà thờ cho lễ Vọng Phục Sinh. Đây là sự đảo ngược của cuộc rước, so với các cuộc rước vào cho hầu hết các Thánh lễ, mà ở đó linh mục đi cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp sau này, tín hữu đã có mặt trong nhà thờ, và chỉ có các thừa tác viên tham gia cuộc rước.

Tuy nhiên, có một số phong tục địa phương rất lâu đời, mặc dù không nghiêm chỉnh về phụng vụ, có nguồn gốc rất sâu sắc và thường phải được tôn trọng.

Thí dụ, ở nhiều nước châu Mỹ Latinh, cuộc rước diễn ra với vị linh mục mặc áo lễ cưỡi lừa cho đến khi ngài tới cửa nhà thờ, do đó mô phỏng việc Chúa chúng ta đi vào Giêrusalem. Đối với các người không quen sử dụng phương tiện vận chuyển này, nó có thể là một trải nghiệm đáng nhớ, nhưng không thực sự thoải mái.

(Nguồn: Zenit.org)

Nguyễn Trọng Đa