Tạm biệt Đức Giáo Hoàng Bênêđictô

Listen to this article

TẠM BIỆT ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ

Giám mục Robert Barron

WGPMT (02.01.2023) – Một trong những thành viên quan trọng nhất của Hội Thánh đã qua đời. Giáo hoàng Bênêđictô XVI (trước đây là Joseph Ratzinger) để lại một di sản đáng kể trong Hội Thánh mà ngài phục vụ và cả trong xã hội rộng lớn hơn. Dù thường xuyên bị những người chống đối bêu riếu là một kẻ bảo thủ khạc ra lửa, thật ra ngài là một con người quân bình, hài hoà và vững chải nhất trong phạm vi Công giáo.

Biến cố xác định trong đời ngài là Công đồng Vaticanô II, là cuộc tập họp các giám mục và thần học gia từ năm 1962 đến 1965 nhằm đặt Hội Thánh Công Giáo vào một cuộc đối thoại mới với thế giới đương đại. Dù được đặt làm chuyên viên thần học cho một trong các hồng y người Đức hàng đầu khi chỉ mới ba mươi lăm tuổi, Ratzinger đã cho thấy ngài là một quán quân quan trọng tại Vaticanô II, bằng việc góp phần soạn thảo nhiều tài liệu quan trọng của Công đồng và giải thích giáo huấn của Công đồng cho nền văn hoá rộng lớn hơn. Trong chính Công đồng, ngài tỏ ra là đối thủ của các lực lượng bảo thủ chống lại cuộc canh tân được phần lớn các giám mục ủng hộ. Một trong những điều trớ trêu trong đời ngài là, sau Vatican II, ngài thấy mình đứng ở phía ngược lại những người cấp tiến muốn vượt khỏi các tài liệu Công đồng và làm hao mòn tính toàn vẹn của Đạo Công giáo. Do đó, “người tự do” của Công đồng trở thành “kẻ bảo thủ” vào những năm hậu Công đồng, đến độ, như chính ngài đánh giá, các quan điểm của ngài không bao giờ thay đổi.

Một người có tư tưởng giống như vậy là Đức Hồng y của Krakow, Karol Wojtyla, là người, khi được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã chọn Ratzinger làm người chỉ huy về giáo lí của mình. Với tư cách là người đứng đầu Bộ Giáo lí Đức tin, Ratzinger đã trải qua hai mươi lăm năm để kết nối giáo huấn của Vaticanô II cho khớp nhau và bảo vệ giáo huấn ấy trước những người phê bình ở cả cánh hữu lẫn cánh tả. Việc ngài được bầu làm Giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2005, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, cho thấy ngài được phần đông nhìn nhận là một con người quân bình của Công đồng.

Dĩ nhiên Ratzinger là con người của đức tin, với tư cách là linh mục, giám mục, thần học gia và giáo hoàng. Nhưng có lẽ cũng quan trọng tương xứng khi cho thấy ngài là một trong những người mạnh mẽ bảo vệ lí trí trên bình diện thế giới. Vào một lúc có nhiều người đại diện cho nền văn hoá thế tục đặt vấn đề liệu chúng ta có khả năng biết được điều gì là thật không, Ratzinger chống lại điều mà ngài gọi là “sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối”. Ngài khẳng định, theo truyền thống cao cả của Công Giáo, rằng một số chân lí –về luân lí, trí tuệ và cái đẹp– có thể được biết và rằng sự hiểu biết này thật sự giúp cho con người hợp nhất với nhau dù có những khác biệt về tôn giáo và văn hoá. Đây chính là điểm cốt lõi trong Diễn văn Regensburg gây tranh cãi của ngài vào năm 2006. Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu là “Logos” hay Lời thực tế là cầu nối giữa Kitô giáo với bất kì tôn giáo, triết thuyết, hay ngành khoa học nào có liên quan đến chân lí và đưa ra các khẳng định “hợp lí”. Theo bản năng này, Ratzinger vui vẻ liên hệ với một số người vô thần hàng đầu và triết gia hoài nghi vào thời của ngài.

Ở trên tôi có nói tới danh tiếng của ngài mà một số người gọi là Panzerkardinal (Hồng y xe tăng), một kẻ không thoả hiệp, thậm chí dữ tợn, chống thay đổi. Những người biết Ratzinger cách riêng tư chỉ có thể lắc đầu trước lối mô tả như thế. Bởi vì, quả thật, ngài là một học giả hiền lành có giọng nói nhỏ nhẹ, rất ân cần, là người có tài năng đặc biệt là tìm thấy điểm chung. Hàng ngàn giám mục đến Rôma dịp ad limina vào những năm Ratzinger làm bộ trưởng đều lấy làm ấn tượng bởi khả năng đặc biệt của con người này là lắng nghe mọi quan điểm và rồi tìm ra một tổng hợp để soi sáng. Các bạn của ngài nói rằng sau một ngày dài làm việc vào thời Đức Gioan Phaolô II, Ratzinger thích ghé một trong các tiệm sách gần Vatican, tìm quyển thần học mới nhất, rồi lần đường tìm đến một góc yên ắng trong một nhà hàng gần đó ăn tối một mình (món ngài ưa là cacio e pepe) trong khi đó hấp thu bản văn. Tôi không thể không nghĩ rằng mười năm sau cùng, thời gian trong nơi tĩnh lặng giữa các khu vườn Vatican, biểu trưng cho lối sống mà ngài thật sự muốn cho cả đời mình.

Khi tôi là một nghiên cứu sinh vãng lai tại Rôma vào mùa xuân năm 2007, tôi đến dự buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư của Đức Bênêđictô tại Quảng trường thánh Phêrô. Trước một đám người rất đông, Đức Giáo hoàng giảng về một khía cạnh của đức tin hoặc về một trong các nhà thần học lớn của truyền thống Công giáo. Học thức, sự uyên bác và sự thành thạo các ngôn ngữ của ngài được phô bày cách rõ ràng. Nhưng điều luôn luôn khiến tôi có ấn tượng mạnh nhất về ngài là tình yêu ngài dành cho Chúa Kitô rất hiển nhiên. Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói rằng Kitô giáo không phải là một ý thức hệ hay một triết thuyết, mà đúng hơn là tương quan với một người, với Đức Giêsu Kitô hằng sống. Trong dáng dấp, ánh mắt chăm chăm, giọng nói và thái độ của ngài, tôi có thể cảm nhận rằng ngài đã tin, và còn quan trọng hơn nữa, ngài đã sống như vậy.

Thưa Đức Giáo hoàng Bênêđictô, xin cám ơn ngài hàng ngàn lần vì đã đem lại phúc lành cho Hội Thánh. Xin Chúa ban cho Đức Giáo hoàng được bình an.

Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org (31.12.2022)
Nguồn: giaophanmytho.net

Trả lời