Giải thưởng “Chân phước Pauline Jaricot” được trao cho hai nhà truyền giáo từng bị bắt cóc

Listen to this article

Giải thưởng “Chân phước Pauline Jaricot”, được thành lập năm nay bởi các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo Tây Ban Nha, đã được trao cho hai nhà truyền giáo từng bị bắt cóc và giam giữ trong thời gian dài nhưng vẫn giữ vững đức tin; đó là Sơ Gloria Cecilia Narváez, người Colombia, và Cha Pier Luigi Maccalli, người Ý.

Hồng Thủy – Vatican News

Lấy cảm hứng từ hình ảnh của Chân phước Pauline Jaricot, người sáng lập Hiệp hội Giáo hoàng về Truyền bá Đức tin, giải thưởng được thành lập năm nay nhân các dịp kỷ niệm của các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo.

Sơ Narváez thuộc dòng Phan Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm, đã truyền giáo ở Mali 12 năm trước khi bị các phần tử thánh chiến bắt cóc vào ngày 7/2/2017 tại Karangasso. Sau 4 năm bị giam giữ, vào ngày 9/10/2021, sơ đã được trả tự do. Được nhận giải thưởng “Chân phước Pauline Jaricot”, Sơ Narváez nói: “Tôi muốn tạ ơn Chúa, Đấng đã cho tôi cơ hội được sinh ra một lần nữa và trở lại với việc truyền giáo của mình.”

Cùng được nhận giải thưởng là cha Pier Luigi Maccalli, một nhà truyền giáo người Ý thuộc Hội Truyền giáo Phi châu, làm việc tại giáo xứ Bomoanga, giáo phận Niamey. Cha bị dân quân thánh chiến bắt cóc tại Niger, gần biên giới Burkina Faso vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018. Vào ngày 9/10/2020 cha đã được trả tự do sau 2 năm bị bắt cóc. Cha Maccalli muốn dành sự tôn vinh này cho người dân Bomoanga và Niger và mời họ cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.

Chứng tá đức tin của họ ngay cả trong thời gian tù đày khắc nghiệt

Cha Maccalli và Sơ Narváez được trao giải thưởng vì chứng tá đức tin của họ ngay cả trong thời gian tù đày khắc nghiệt, và cũng được thể hiện qua ước muốn trở lại truyền giáo, ở giữa “người dân” của họ. Hai nhà truyền giáo đã chia sẻ kinh nghiệm về vụ bắt cóc bởi các nhóm thánh chiến ở Mali và cuộc giải thoát sau đó.

Sơ Narváez giải thích cho thấy sơ đã kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa rõ ràng hơn như thế nào trong thời gian mà sơ sống kinh nghiệm về thập giá, trong gần 5 năm bị giam cầm. Sau kinh nghiệm đau khổ đó, sơ càng cảm nhận sâu sắc hơn rằng việc mang lại niềm vui và sự an ủi của Chúa Giêsu cho những người mệt mỏi và đau khổ, cho những ai đang chờ đợi để được gặp “lòng thương xót của Thiên Chúa làm người” là điều tuyệt vời và quan trọng.

Về phần Cha Maccalli, cha nhấn mạnh rằng “những câu chuyện của chúng tôi, như là con tin của chủ nghĩa thánh chiến, tập trung vào một khu vực của châu Phi, nơi có nhiều cuộc chiến bị lãng quên nhưng vẫn đang diễn ra” và nhớ lại rằng những ngày trước khi được thả tự do, cha đã nghe trên đài phát thanh rằng Đức Thánh Cha đã ký thông điệp “Fratelli tutti”. Không biết gì hơn nữa, nhưng hai từ đó đã thôi thúc cha nói câu này với thủ lĩnh thánh chiến đang đưa cha đi trả tự do: “Cầu Chúa cho chúng ta một ngày nào đó hiểu rằng chúng ta đều là anh em.” (Fides 25/10/2022)

Trả lời