Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Từ thế kỷ XI lễ nhớ thánh Barnaba được cử hành ngày 11 tháng 6 tại Rôma. Ngày tháng này được thống nhất chung cho cả Đông Phương lẫn Tây Phương, kỷ niệm ngày tìm thấy thi hài của người. Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo triều Rôma nêu tên Barnaba cùng với Stêphanô và Matthias.
Trong Công vụ Tông Đồ, ngài được gọi là Joseph và biệt hiệu là Barnaba (người có tài yên ủi). Ngài là một thầy Lêvi, quê quán ở đảo Cypre, xứng đáng mang danh “Tông Đồ” trong Giáo hội tiên khởi. Ngài lấy tiền bán đất đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 37). Loan báo Tin Mừng ở Antiochia, thành phố thứ ba của đế quốc Rôma và đã tìm Phaolô thành Tarsus đến với cộng đoàn. Hơn một năm, ngài cùng Phaolô chuyên tâm rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn mới trong thành phố. Nơi đây, các tín hữu lần đầu tiên nhận danh hiệu “Kitô hữu”, nghĩa là “môn đệ của Đức Kitô” (tiếng Hy Lạp: Christianos).
Barnaba theo Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất (Cv13,2-4), đi khắp đảo Cypre và khắp bờ biển miền nam Tiểu Á. Nhưng sau Công đồng Giêrusalem, năm 49, Barnaba chia tay Phaolô để cùng người anh em họ Gioan Márcô trở lại đảo Cypre. Các tư liệu xưa cho chúng ta biết ngài đã qua Rôma và bị người Do Thái ném đá gần Salamine. Có lẽ người ta đã tìm thấy thi hài của ngài tại đó, vào thế kỷ V.
Truyền thống xem ngài là một trong bảy mươi môn đệ của Chúa và cho rằng ngài là tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái, cũng như Thư của Barnaba, có lẽ gửi từ Alexandrie. Ngược lại, chắc người ta đã đọc trong Giáo hội tiên khởi một bản Tin Mừng mang tên ngài, nhưng bản Tin Mừng này đã không đến tay chúng ta.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ lấy lại lời ca ngợi của Công vụ khi gọi Barnaba là “Người đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”: Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin (Cv 11, 24).
b. Lời nguyện trên lễ vật nhắc đến “tình yêu nồng nàn đã thúc đẩy Barnaba chuyển trao ánh sáng Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo”. Trước lòng hăng say hoạt động Tông Đồ của Phaolô thành Tarsus, Barnaba không phải là người đứng bên lề do khiêm tốn giả tạo, nhưng ngài muốn dành cho Phaolô tác vụ rao giảng lời Chúa (Cv 14, 12 b). Còn về phần mình, ngài vẫn tiếp tục hợp tác, nêu gương sẵn sàng hy sinh phục vụ. Chính Barnaba là người đi tìm Phaolô ở Tarsus để đưa về Antiochia và cho hội nhập vào một cộng đoàn đang dè dặt nghi kỵ, trước khi cùng nhau đem Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo sống ở các bờ biển phía nam Tiểu Á.
c. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sai các Tông Đồ ra đi truyền giáo: Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần…, bài Tin Mừng Thánh lễ (Mt 10,7-13) cũng gợi lại tinh thần hành động của Hội thánh dựa trên ý muốn của Đấng sáng lập, như được mô tả trong Công vụ (xem bài đọc một: Cv 11, 21..13, 3): Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.
Như thế việc sai đi truyền giáo được thể hiện như một hành vi trang trọng của Hội thánh (kinh nguyện, chay tịnh, đặt tay…) dâng hiến con người để phụng sự Chúa.
Enzo Lodi
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận