Ngày 24/06: Sinh nhật thánh Gio-an Baotixita

309 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Gioan Tẩy Giả

Lễ trọng

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ Tây Phương, có từ thế kỷ IV và nhanh chóng phổ biến trong các thế kỷ sau. Chúng ta biết rằng từ thế kỷ XVI, tại Rôma, trước ngày đại lễ, người ta tổ chức ăn chay cách long trọng và có một Thánh lễ vọng được dâng tại phòng rửa tội của thánh Đường Latêranô (xem Sách bí tích của Vêrone). Thời trung cổ, các linh mục dâng ba Thánh lễ vào ngày này. Nghi thức Phụng Vụ mới đã làm cho lễ vọng có được bầu không khí ngày lễ trọng và được cử hành vào ban chiều.

Lễ này đi trước lễ Giáng Sinh sáu tháng, do tham chiếu vào bản văn Tin Mừng Luca (1,36) và sau lễ Truyền Tin ba tháng. Từ thế kỷ III, vài thần học gia dựa trên khuynh hướng biểu tượng ví Đức Kitô như là mặt trời để quan tâm đặc biệt đến các chí điểm trong lịch sử Cứu độ. Như thế, họ cho rằng Gioan Tẩy Giả có lẽ được hình thành trong dạ mẹ vào ngày thu phân và sinh ra nhằm ngày hạ chí, bởi vì từ thời điểm hạ chí các ngày bắt đầu ngắn đi, trong khi từ đông chí, các ngày lại dài ra. Các Giáo hội theo nghi thức Byzantin cử hành lễ Bà Êlisabét thụ thai thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 9. Có một sự đối ngẫu giữa việc Chúa Giêsu sinh ra vào mùa đông, và việc Gioan Tiền Hô sinh ra vào mùa hè. Hai ngày sinh nhật này thường là dịp cho người dân tổ chức các lễ hội truyền thống, như đốt pháo hoa dịp lễ thánh Gioan. Các giờ kinh Phụng Vụ mừng lễ sinh nhật thánh Gioan bằng mười tám điệp ca và các bài đọc lấy từ Kinh thánh, không kể các thánh thi riêng.

Tại Canađa, thánh Gioan Tẩy Giả được mừng và tôn làm “thánh bảo trợ riêng của những người dân Canađa gốc Pháp.”

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ lễ vọng và chính lễ đều nhấn mạnh đến hai chủ đề trọng yếu trong các bản văn Tin Mừng. Trước mắt chúng ta, Gioan Tẩy Giả được trình bày như vị Tiền Hô của Đấng Mêssia (lời nguyện lễ vọng) và như ngôn sứ loan báo cuộc giáng lâm của Đức Ki-tô mà người gọi là “Con Chiên toàn thắng tội lỗi” (lời nguyện hiệp lễ lễ vọng và chính lễ).

Kinh Tiền tụng Thánh lễ nhắc đến cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô. Kinh mở đầu bằng cách nêu lên những lý do tại sao lễ này lại quan trọng hơn ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, vì lễ của Đức Mẹ chỉ là lễ kính chứ không phải lễ trọng. Các lý do chính là những điều kỳ diệu đã được thực hiện nơi Gioan Tẩy Giả. Bởi lẽ trong các con cái loài người, chính người đã được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để dọn đường cho Chúa đến. “Chưa sinh ra, người đã nhảy mừng khi Đấng Cứu Độ trần gian ngự đến. Lúc chào đời, người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Đức Ki-tô là Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Giorđan, người đã làm phép rửa cho Đấng thiết lập bí tích Thánh Tẩy để thánh hóa mọi người. Sau cùng người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô.” Gioan Tẩy Giả không tự mãn khi rao giảng sự sám hối vì nước Thiên Chúa đang ở ngay bên. Nhưng ngài cũng loan báo rằng Đức Kitô đang hiện diện ở giữa mọi người. Do đó, người còn hơn cả ngôn sứ nữa (Mt 11,9). Gioan là một chứng nhân anh dũng đến độ đổ máu đào nhưng lòng khiêm hạ khiến ngài đứng tách biệt: Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (Ga 3,30). Ngài xử sự như người tôi tớ, vì người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng (Ga 3,29). Trong Bài giảng được Bài đọc – Kinh sách, thánh Augustinô đã lập một bản đối chiếu giữa Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả. Trước câu hỏi mà Gioan cho các môn đệ của mình hỏi Đức Kitô: Thầy có thật là Đấng phải đến không …? Đức Giêsu trả lời: Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11,2-6) Gioan không chỉ loan báo và chỉ cho thấy Đấng Mêssia, mà còn ủng hộ Người nữa.

Enzo Lodi

Trả lời