Trang truyền thông ACI đã công bố 5 sự kiện quan trọng cần biết về lời kinh này, thay thế cho Kinh Truyền tin kể từ Chúa nhật Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống.
5 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG
Tác giả: ACI Digital
Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng
Từ: it.aleteia.org (08.04.2021)
WGPQN (09.04.2021) – Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng [Regina Coeli], như lời khẩn cầu lên Mẹ Thiên Chúa nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, một sự kiện tiêu biểu cho mầu nhiệm vĩ đại nhất đối với niềm tin Công giáo.
Trang truyền thông ACI đã công bố 5 sự kiện quan trọng cần biết về lời kinh này, thay thế cho Kinh Truyền tin kể từ Chúa nhật Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống.
- Regina Coeli là một trong bốn điệp ca về Đức Mẹ được Giáo hội sử dụng.
Ngoài Regina Coeli, Giáo hội Công giáo còn đọc kinh Alma Redemptoris Mater [Lạy Mẫu nghi cao cả], bắt đầu từ Kinh chiều I, Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng đến lễ Dâng Con trong đền thờ, ngày 2 tháng 2. Kinh Ave, Regina Caelorum cũng được đọc từ lễ Dâng Con trong đền thờ đến Thứ Tư Tuần Thánh. Kinh Salve Regina [Kính chào Đức Nữ Vương] là điệp ca đọc trong các mùa Thường niên, từ lễ Hiện Xuống đến đầu Mùa Vọng.
- Tác giả không rõ
Chúng ta không biết tác giả của Regina Coeli là ai, nhưng trong bộ sưu tập về các thánh có một câu chuyện về thánh Gregorio Cả (Giáo hoàng từ năm 590-604) đã đưa ra lời giải thích cho vấn đề này. Người ta kể rằng khi vị Giáo hoàng này chủ sự cuộc rước với lời nguyện lên Đức Trinh nữ Maria cầu xin cho dịch bệnh ở Rôma mau chấm dứt, ngài đã nghe được tiếng các Thiên thần hát ba câu đầu tiên của Kinh Regina Coeli và còn thêm dòng “Ora pro nobis Deum – Alleluia” [Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Alleluia]. Tương truyền rằng những lời cầu nguyện đó đã đẩy lui được bệnh dịch cách thành công.
- Đọc ba lần trong ngày
Giống như Kinh Truyền tin, Kinh Lạy Nữ Vương được đọc ba lần trong ngày: sáng, trưa và xế chiều, như cách để dâng trọn một ngày cho Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria.
- Là một phần làm nên danh mục các bài hát phụng vụ qua nhiều thế kỷ
Qua nhiều thế kỷ, đã có những chuyển thể của điệp ca Regina Coeli trong giai điệu đơn giản lẫn trọng thể của nhạc Bình ca.
Nhà soạn nhạc Tomás Luis de Victoria đã xây dựng điệp ca này trong một bản hòa âm tám bè trong đó niềm vui của sự Phục sinh nổi lên với Alleluia; trong khi William Byrd, soạn giả người Anh, đã viết bài này với ba bè tạo thuận lợi cho việc suy gẫm.
Nhà soạn nhạc người Đức Gregor Aichinger đã thêm phần dẫn nhập và kết thúc với organ trong tác phẩm của mình.
Những tác phẩm do Wolfgang Amadeus Mozart thực hiện được xếp vào danh mục như K. 108, K. 127 và K. 276. Các tác phẩm này được sáng tác lần lượt vào các năm 1771, 1772 và 1779, cho nhà thờ lớn Salzburg. Sự phát triển của dàn nhạc, việc sử dụng các nghệ sĩ độc tấu và ca đoàn làm cho các tác phẩm của Mozart ngày thêm phức tạp hơn. Nhạc sĩ thời kỳ lãng mạn, Johannes Brahms, người Đức, đã đặt nhạc bài Regina Caeli cho các nghệ sĩ độc tấu và hợp xướng nữ.
- Kinh nguyện lặp lại từ “Alleluia” nhiều lần
Lấy ví dụ như ở câu đầu tiên “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia”, và sau đó các tín hữu đáp lại: “Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia”… “Người đã sống lại…”
Nguồn: gpquinhon.org
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận