NGHĨ VỀ TỰ DO
Tự do là gì? Là như chim ở ngoài lồng, như cá giữa đại dương chứ không phải trong chậu!
Nhưng chim, cá không phải là con người. Tự do của con người phải huy động cả khả năng suy nghĩ, ý thức, và trách nhiệm nữa. Nhất là, tự do của con người được định hướng để YÊU THƯƠNG! Chim, cá và loài vật không có những phẩm tính này.
Thiên Chúa dựng nên con người có tự do để yêu thương, Sách Thánh gọi điều này là “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa”. Đây là nền tảng của phẩm giá nhân vị (hay bạn thường nghe nói tắt là ‘nhân phẩm’).
Đôi lúc bạn cảm tưởng như có sự tương khắc giữa ân sủng (của Chúa) và tự do (của con người), và bạn muốn dung hoà chúng? Thì trước hết bạn đừng quên rằng: tiên vàn tự do cũng là ân ban đó ( chứ nếu không vậy thì nó ở đâu ra?).
Điều đáng bất ngờ và thú vị hơn, đó là con người dùng tự do để chống lại Chúa nhưng Chúa vẫn không thu hồi sự tự do của con người! Con người còn nguyên sự tự do căn bản và sâu xa của mình – cũng như con người luôn còn nguyên phẩm giá nhân vị, dù hắn tội lỗi và bất xứng với phẩm giá ấy đến mấy đi nữa! Cần nhớ, Chúa muốn không thu hồi, không phải Chúa không thể không thu hồi!
Chúa không thu hồi sự tự do của con người, đơn giản bởi vì nếu không còn tự do thì con người không còn có khả năng yêu thương, không còn là hình ảnh của Thiên Chúa, không còn phẩm giá nhân vị tức không còn là “người” nữa!
Về phía con người, cũng vậy, không ai muốn mất tự do, thậm chí bạn còn nghe người ta mạnh mẽ hô khẩu hiệu: “Tự do hay là chết!”. Bạn sẽ không vui khi nghe bạn gái sắp cưới nói với mình rằng “Em lấy anh vì anh có nhiều tiền, có chức quyền”, hoặc “Em lấy anh vì bố mẹ em bắt phải làm thế!” Bạn không vui vì cô ấy không yêu bạn, không đến với bạn một cách tự do!
Trong lãnh vực tâm lý chiều sâu, người ta có nói về một dạng lệch lạc “chạy trốn tự do”, vì ấu trĩ, vì sợ trách nhiệm, hay vì một lý do nào đó thuộc nhận thức… Đó là lệch lạc. Ngược lại, trong linh đạo hiện đại, người ta ngày càng nhất trí hơn rằng: Sự trưởng thành tâm linh của một người hệ tại sự tự do nội tâm của người ấy!
Vì thế, tôi không ước “giá chi mình không có tự do!” Tôi cũng không coi sự tự do của mình như cái gì song song với sự tự do của Thiên Chúa. Không song song, vì mối tương quan ở đây là tương quan ‘thuộc về’! Sự tự do của tôi thuộc về sự tự do của Thiên Chúa. Thánh Tô ma nói về sự tự do của Thiên Chúa là ‘nguyên nhân đệ nhất’, còn sự tự do của con người là ‘nguyên nhân đệ nhị’. Tôi học cách để biết dùng sự tự do của mình mà chọn ý muốn của Thiên Chúa – như Đức Giêsu: “Đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha!” Chính trong ý nghĩa này mà Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng khi con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa thì con người được tự do hoàn toàn.
Nói cách khác, có thể diễn tả một cách ‘gây sốc’ như sau: Nói cho cùng, chúng ta phải làm nô nệ thôi, vấn đề là biết dùng tự do của mình để chọn làm nô lệ cho Thiên Chúa! Đó là ý nghĩa và mục đích tối hậu của tự do.
Bạn thấy đó, bạn vẫn tự do … như cánh chim trong bầu trời!
Bạn là cánh chim, bầu trời là Thiên Chúa, là ân sủng của Thiên Chúa
Cánh chim không bao giờ tìm thấy sự tự do nào tốt hơn bên ngoài bầu trời ấy đâu!
Lê Công Đức, PSS.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận