Suy niệm – Thứ hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay – B

561 lượt xem Suy Niệm
Listen to this article

VỮNG BƯỚC TRONG SỰ THẬT

Suy niệm

Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong văn mạch nói về việc rao giảng của Chúa Giêsu tại miền Galilê- quê hương xứ sở của Ngài. Não trạng của người Do Thái không chấp nhận hình ảnh về một Đấng Messia như Chúa Giêsu đang khắc họa, một Đấng Messia có nguồn gốc xuất thân từ quê hương của họ. Họ đinh ninh rằng chỉ mình họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ không tin nhận ơn cứu độ sẽ dành cho dân ngoại.

Sau khi mọi người lắng nghe, thán phục, tôn vinh Chúa Giêsu, thì  ngay lặp tức họ liền bàn tán xôn xao về thân thế sự nghiệp của Ngài. Ý chính của bài Tin Mừng Luca 4, 24-20 nói lên việc dân làng từ chối tiếp nhận Lời Ngài, nói rõ hơn họ từ chối chấp nhận con người của Ngài và phản ứng của Chúa Giêsu trước sự chai lỳ cứng lòng của họ.

Người Do thái trong hội đường Nazareth đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió. Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ

Chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Lời tựa của Tin mừng Gioan ghi rằng “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), buồn thay đã được minh họa nơi dân chúng tại Nagiarét, nơi Đức Giêsu lớn lên. Họ tức giận khi nghe Đức Giêsu nhắc đến sứ điệp về lòng quảng đại của Thiên Chúa trải rộng đối với lương dân, và họ muốn giết Ngài.

Biến cố này chuẩn bị cho chúng ta việc chính dân riêng của Chúa khước từ Đức Giêsu sẽ xảy ra tại Giêusalem. Đức Giêsu đã đau khổ nhiều vì những lần bị khước từ trong cuộc đời rao giảng của Ngài.

Khởi đầu câu 24 là một nhận định của Chúa Giêsu khi thấy dân làng mình xầm xì bàn tán “Tôi bảo thật, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” lời nhận định này nói lên một kết quả “đau thương” mà bất cứ một vị ngôn sứ nào cũng phải trải qua. Ông bà ta có câu “Gần chùa gọi bụt bằng anh” hoặc “Bụt nhà không thiêng” cũng mang ý nghĩa tương tự. Vì sao ngôn sứ không được chấp nhận?

Chúa Giêsu lên tiếng giảng giải cho họ bằng một định đề và hai ví dụ minh họa. Ngài nêu định đề trước : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Rồi Ngài lấy hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại đó là bà góa thành bà goá thành Xarépta miền Xiđon và ông Naaman người xứ Xyria. Định đề và hình ảnh minh họa này đã làm cho đám người Do Thái khó chịu. Họ bực tức vì Chúa Giêsu đã khen dân ngoại ngay trước mặt họ, họ cảm nhận như thể dân ngoại đã được Thiên Chúa ưu đãi hơn chính họ. Họ đã phản ứng, và cách họ phản ứng thật đáng cho chúng ta quan tâm : Họ “đầy phẫn nộ”, “lôi Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi”, “để xô Người xuống vực”… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”.

Có lẽ vì ngôn sứ nói lời của Chúa, chứ không chiều theo sở thích toàn dân. Có lẽ vì người ta thường nhìn đến thân thế, dòng họ hơn là tài năng Thiên Chúa ban cho con người. Họ có định kiến từ trước, một lập trình có  sẵn trong tư tưởng “Người này không phải là con bác thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse , Simon và Giuđa sao?” (Mt 13, 55).

Có lẽ họ biết Chúa Giêsu rất rõ bằng con mắt trần thế, nên họ “Bị mù” về con mắt thiêng liêng khi không nhận ra vị tiên tri cao cả đang ở với họ. Vì thế Chúa Giêsu đã nói thẳng, nói rõ cho họ về cách đồi xử của dân làng đối với một vị ngôn sứ, chứ Ngài không xác định mà chỉ là ám chỉ Ngài là vị ngôn sứ đang bị chính dân làng, bị chính dân tộc Israel ruồng bỏ.

Để xác minh cho vấn đề mình đưa ra, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hai ví dụ cụ thể trong Cựu Ước nói lên sự cứng lòng của dân Israel và Thiên Chúa đã quay lưng với họ. Ngài chúc lành cho dân ngoại là những người tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.

Câu 26, Chúa Giêsu dẫn chứng về truyện ngôn sứ Êlia đã cứu sống bà goá thành Xa-rép-ta và đứa con trai của bà (1v 17, 7-24 ). Bà goá dân ngoại này đã nhận ra Êlia là vị ngôn sứ của Thiên Chúa, là người của Thiên Chúa. Bà đã tin và làm theo lời ông Êlia truyền dạy và bà được tưởng thưởng xứng với lòng tin của bà. Câu 27 nói về việc ông Na-a-man, một tướng chỉ huy quân đội của Vua A-ram được chữa lành. Ông là người dân ngoại bị mắc bệnh phong cùi. Ông được khỏi bệnh vì ông đã lắng nghe đầy tớ đề nghị, khuyên răn ông làm theo lời của Ngôn sứ Êlia. Ông thay đổi cái nhìn, hoán cải nội tâm và ông được chữa lành (2V 5,1-14 ).

Chúa Giêsu đứa ra 2 điển tích trên như một lời cảnh tỉnh lòng dân miền Galilê. Thiên Chúa sẽ thương xót và ban ơn cho những ai thành tâm kêu cầu Ngài, mặc dù người đó không phải là dân Ngài tuyển chọn (dân Israel) không phải là dân được cắt bì hay tuân giữ luật Mô-sê.

Phản ứng của người dân Galilê thế nào khi đứng trước những lời tố cáo, vạch trần bộ mặt thật của Chúa Giêsu đối với họ?. Trong câu 28 và 29, Thánh sử Luca đã nêu rõ những hành vi đầy giận dữ của họ: “phận nộ”, “lôi ra”,  “kéo lên” “xô xuống”, toàn là những hành động biểu lộ thái độ đầy ác tâm. Họ muốn khai trừ Chúa Giêsu chỉ vì Ngài quá biết rõ họ. Phản ứng bên ngoài để lộ tâm tà ác ý bên trong. Nếu tâm của họ tốt, ý của họ lành… thì họ đã kịp ăn năn sám hối, nhận ra lỗi lầm trước lời cảnh báo của Chúa Giêsu. Nhưng ở đây họ biểu lộ thái  độ căm phẫn, muốn loại trừ con người đã biết, đã lên án tâm địa mưu mô của họ.

Đứng trước phản ứng của dân làng, Chúa Giêsu có thái độ rất bình tĩnh. Ngài như đoán trước điều sẽ xảy ra, nhưng “Giờ” chưa đến, Ngài  chưa thể chết khi sứ mệnh chưa hoàn thành. Ngài không thể chết ngoài thành Giêrusalem. Như lời tiên báo của các ngôn sứ. Ngài hiên ngang đi qua giữa họ (c 30). Một thái độ không xao động, không nao núng trước những chống đối có “bạo lực” của dân làng.

Đó là phản ứng của Chúa. Đó là lối hành xử của người dân làng Galilê. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thái độ nào trước những lời góp ý “tận gốc” của anh chị em, trước những sửa dạy của người có trách nhiệm trên ta? Hoặc trước những lời khen, chê , mỉa mai, thậm chí có khi mang tính chống đối, loại trừ của anh em đồng loại?  Hãy nhìn lên Đức Kitô, một Đức Kitô  chịu đóng đinh, một Đức Kitô đội mão gai, chịu đánh đòn, chịu xỉ nhục mắng nhiếc. Ngài vẫn bình tĩnh đón nhận, thậm chí còn cầu nguyện cho những kẻ làm hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. ( Lc 23,34)

Chúa Giêsu đã mạnh dạn bước trên dư luận, Ngài không bận tâm phản ứng lại đối phương khi họ đang tức giận. Ngài tự tin vì Ngài giữ bên mình một sự thật toàn vẹn. Ngài không cần phản ứng để bảo vệ sự thật, vì sự thật là chính nó, sự thật tự nó đứng vững và sự thật là toàn vẹn. Nếu mỗi chúng ta sống với sự thật, nếu mỗi chúng ta có sự thật trong lòng, chúng ta có thể như Chúa Giêsu, có thể bước qua bất kỳ đám đông nào và băng qua bất cứ phản ứng thắc mắc nào, để hiên ngang bước đi.

Huệ Minh

Trả lời