CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

TIỀN CHỦNG VIỆN THÁNH LIÊM HẢI PHÒNG

Trích trong cuốn ĐÀO TẠO LINH MỤC – Định Hướng và Chỉ Dẫn, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, từ trang 131-139, Nxb. Tôn Giáo, năm 2012.

NĂM DỰ BỊ

Trách nhiệm của giáo phận

232. Trong hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam hiện nay, sau thời gian tìm hiểu ơn gọi là thời gian vẫn sống tại gia đình và tham dự những buổi gặp gỡ, hướng dẫn với Ban Mục vụ Ơn gọi, những ứng sinh này sẽ trải qua một cuộc tuyển lựa tuỳ theo cách tổ chức của mỗi giáo phận. Những ứng sinh đạt được những tiêu chuẩn như vừa trình bày trên đây sẽ được tuyển vào Năm Dự Bị, để chuẩn bị vào đại chủng viện. Với thời gian 1 hay 2 năm, những ứng sinh này sẽ sống chung và được huấn luyện tại một cơ sở của giáo phận.

233. Vẫn chung cùng một hướng, nhưng ở mức độ cao và đặc biệt là trong bầu khí cộng đoàn, chương trình đào tạo được tiếp tục xoay quanh hai đích điểm cụ thể là đào tạo về động lực ơn gọi và những khả năng thích hợp với đời sống linh mục.

Động lực ơn gọi – khám phá niềm vui theo Chúa

234. Tiếp nối việc khám phá và thanh luyện động lực ơn gọi trong những năm tìm hiểu ơn gọi, Năm Dự Bị là thời kỳ cao điểm để khám phá lời mời gọi của Chúa, cảm nhận được tình yêu Chúa qua lời mời gọi ấy và có một chọn lựa quảng đại đáp trả.

  • Trước hết, sau khi đã tập luyện đến gặp gỡ Chúa cụ thể qua những việc đạo đức căn bản, trong giai đoạn này, với những hỗ trợ của một chương trình đạo đức rõ ràng của cộng đoàn, các ứng sinh được hướng dẫn để đi sâu vào tương quan gặp gỡ Chúa, cảm nhận được niểm vui và tình yêu của Chúa, Đấng yêu thương mời gọi họ vào ơn gọi linh mục, đặc biệt qua các giờ cầu nguyện, tĩnh tâm, qua thái độ lắng nghe và đáp trả liên lỉ trong cuộc sống.
  • Đồng thời, niềm vui theo Chúa cũng được cảm nhận qua sự hiệp thông với cộng đoàn anh em cùng theo đuổi lý tưởng linh mục. “Tình huynh đệ do bí tích” cần được vun trồng một cách cụ thể trong cộng đoàn dự tu này.
  • Và rồi, việc cảm nhận được tình yêu Chúa với lời mời của Ngài sẽ dẫn người ứng sinh quảng đại đáp trả qua việc dứt khoát theo Chúa qua việc quảng đại sống ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục. Việc chọn lựa này đã được người ứng sinh quyết định khi bước vào Năm Dự Bị (từ bỏ những tình cảm tự nhiên để sống đời độc thân khiết tịnh, từ bỏ nghề nghiệp đang có, từ bỏ những ý riêng). Người ứng sinh sẽ được các nhà đào tạo hỗ trợ và hướng dẫn, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn và để dần dần cảm nhận được niềm vui và bình an khi chọn lựa đời độc thân khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục.

ĐÀO TẠO KHẢ NĂNG THÍCH HỢP

Đào tạo nhân bản

Trưởng thành về tình cảm

235. Tiếp tục đào tạo về trưởng thành tình cảm, trưởng thành về sử dụng tự do và lương tâm luân lý, trong Năm Dự Bị, được thực hiện trong bầu khí cộng đoàn với những nội quy:

Trước hết, việc làm chủ những đam mê (vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn) được thực hiện trong những tương quan cụ thể của đời sống cộng đoàn với những sinh hoạt đạo đức, học tập, thể thao, công tác.

  • Cũng trong bầu khí cộng đoàn, mà những thể hiện tình cảm được thể hiện qua những tương quan cụ thể: với bề trên (lễ độ, kính trọng, cởi mở), với anh em (hoà đồng, quan tâm, chia sẻ, cộng tác, bác ái). Những tương quan này được xây dựng trên sự trung tín và chân thật là hai điểm được đề cao trong văn hoá Việt Nam và trong đức tin, với gương mẫu là chính Thiên Chúa, Đấng Trung Tín (x. 2 Tx 3,3; 2 Tm 2,13) và Đấng Chân Thật (x. Ga 14,6; 1 Ga 5,6).
  • Riêng về đời sống độc thân khiết tịnh, khi đã chính thức vào Năm Dự Bị với sự chọn lựa, người ứng sinh được hướng dẫn để mỗi ngày sự chọn lựa dâng hiến ấy được trọn vẹn trong bình an nội tâm.
  • Một lưu ý trong đời sống dâng hiến độc thân trọn vẹn, trong đời sống cộng đoàn toàn người cùng phái, có thể xảy ra tình trạng bù trừ tình cảm qua những “tình bạn lệch lạc”

Trưởng thành về tự do và về lương tâm luân lý

236. Việc đào tạo sử dụng tự do, trong giai đoạn này, được thể hiện một cách cụ thể trong đời sống kỷ luật của cộng đoàn. Ứng sinh không những coi kỷ luật như một phương thế giúp bản thân đạt được một tinh thần tự chủ, mà còn là một trợ lực vững chắc của đời sống bác ái, biết quan tâm đến người khác, vượt qua những ích kỷ cá nhân (coi mình là nhất, muốn làm gì thì làm, bất chấp đến người khác).

237. Việc huấn luyện lương tâm luân lý của ứng sinh trong giai đoạn này thật vô cùng quan trọng, vì sau bao năm học ở trung học và có thể ở đại học, lương tâm của những người trẻ đã phần nào bị chi phối bởi cách ứng xử của “thế gian” và tinh thần “thế tục”. Trong Năm Dự Bị, việc đào tạo một phán đoán theo lương tâm ngay lành vì thế luôn chiếm địa vị ưu tiên, nghĩa là phải tạo cho ứng sinh “thói quen lắng nghe tiếng Chúa ngỏ với mình trong lòng và cần phải gắn bó vào thánh ý Người với tình yêu và lòng kiên quyết” (PDV 44). Các ứng sinh được đào tạo để biến đối từ cách suy nghĩ, phán đoán, hành động theo những “giá trị trần thế” (lợi nhuận, hưởng thụ…) sang cách suy nghĩ, phán đoán, hành động theo những “giá trị Phúc âm” (bác ái, vô vị lợi, hy sinh, phục vụ…), với cao điểm là “tinh thần hy sinh phục vụ trong đời sống cộng đoàn” như một quyết tâm theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Một cách cụ thể, các ứng sinh được đào tạo để:

  • Có những phán đoán đâu là điều tốt / điều xấu, dựa trên tiêu chuẩn của Lời Chúa trong sự hướng dẫn của Giáo Hội.
  • Thực tập tránh điều xấu và cố gắng làm điều thiện.

Đào tạo thiêng liêng

238. Với sự hỗ trợ của chương trình đời sống cộng đoàn về những giờ giấc cố định cho các việc đạo đức, các ứng sinh được đào luyện để hướng đến “phẩm” của các thực hành đạo đức hơn là “lượng của các việc đạo đức, không chỉ thực hành như một thói quen, mà với tâm tình yêu mến, muốn gặp gỡ Chúa Giêsu và phát triển mối tương quan thân tình với Ngài: “Các chủng sinh phải tham gia việc cử hành Thánh Thể một cách tích cực, không bao giờ bằng lòng với việc có mặt vì thói quen thuần tuý” (PDV 48). Nói cách khác, các ứng sinh được hướng dẫn để xây dựng một đời sống đức tin, khởi đi từ lòng khao khát tìm Chúa, gặp Chúa và đi theo Chúa trong lòng Giáo Hội.

239. Có thể nói Năm Dự Bị là khởi điểm của đời sống dâng hiến theo ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục, là khởi sự tập “bén rễ sâu trong kinh nghiệm thập giá” (PDV 45). Đây là giai đoạn tập dẹp bỏ những cản trở đối với ơn gọi linh mục đến từ bên ngoài, như cách sống “theo trần thế” với các phương tiện giải trí thiếu lành mạnh, những quan hệ tình cảm không thích hợp, những thói xấu do ảnh hưởng của xã hội tục hoá (thiếu trung thực, ham tiến, thiếu tiết độ); đồng thời, đây cũng là thời kỳ thanh luyện các cản trở từ bên trong, tức những khuynh hướng xấu và những yếu đuối năng lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ. Sự cố gắng thanh luyện này sẽ được hỗ trợ tích cực với việc linh hướng và sẽ còn tiếp tục sau này trong thời gian tại chủng viện cũng như trong suốt đời linh mục: cố gắng vượt thắng những ảnh hưởng xấu bên ngoài và những tật xấu bên trong.

Đào tạo trí thức

240. Chương trình học của Năm Dự Bị

Trước hết, về kiến thức tự nhiên:

  • Giáo dục nhân bản (về đời sống cộng đoàn): các ứng sinh trong Năm Dự Bị sẽ được học về đời sống cộng đoàn với tổ chức trật tự chung (vấn đề kỷ luật), với việc sống chung (sự tôn trọng, hòa đồng, quan tâm đến người khác, giữ gìn tài sản chung, có “lòng chung”), với việc làm việc chung (tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, bác ái).
  • Phương pháp học: các ứng sinh được hướng dẫn về cách học, tổ chức việc học cá nhân, cách tóm tắt khi đọc sách, cách lấy notes, cách viết những đoạn văn ngắn. Việt ngữ: các ứng sinh được ôn tập và tập luyện sử dụng tiếng mẹ đẻ đúng quy cách và thành thạo, để có đủ khả năng trình bày (nói hoặc viết) cách logic một vấn đề trong khi hội thảo, thuyết trình, báo cáo.
  • Anh/Pháp: tiếp nối những kỹ năng căn bản (nghe, nói, đọc, viết) trong những giai đoạn Dự Tu, các ứng sinh cần được hướng dẫn để tập sử dụng ngoại ngữ như một phương thế nghiên cứu, đặc biệt kỹ năng đọc hiểu những tài liệu tôn giáo. Cụ thể, bản văn Anh/Pháp của sách Giáo lý Công giáo sẽ giúp các em làm quen với những vốn từ tôn giáo.
  • Latin: tiếng Latin cũng cần được giới thiệu cho các ứng sinh nhằm giúp các linh mục tương lai có thể hoà mình vào Truyền Thống của Giáo Hội, đặc biệt trong lĩnh vực đọc kinh và phụng vụ.
  • Lịch sử: về phương diện lịch sử, một kiến thức tổng quát về lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Giáo Hội được xác định trong bối cảnh chung của lịch sử nhân loại là điều không thể thiếu.

241. Về kiến thức tôn giáo, các ứng sinh được học hỏi về:

  • Ơn gọi linh mục: đời sống và chức vụ linh mục, cụ thể với những đòi hỏi của đời sống linh mục (ba lời khuyên Phúc âm) và sứ vụ linh mục (rao giảng, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn)
  • Giáo lý: ôn lại và tổng hợp 3 phần Giáo lý đã được học trong 3 năm của thời dự tu (biết đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin).
  • Thực hành các việc đạo đức: các ứng sinh sẽ được hướng dẫn để làm quen với những cử hành phụng vụ trong cộng đoàn và thực hành các việc đạo đức căn bản (những kinh đọc sáng tối mà giáo dân quen đọc, dâng ngày, xét mình, sách thiêng liêng, viếng Chúa…).

242. Những môn học của Năm Dự Bị có thể được tóm tắt như sau:

  • Về kiến thức tự nhiên: phương pháp nghiên cứu, tiếng Việt, Giáo dục Nhân bản và Ngoại ngữ (Anh ngữ hay Pháp ngữ và La ngữ).
  • Về kiến thức tôn giáo: ơn gọi linh mục, giáo lý tổng hợp (biết đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin), cử hành phụng vụ và thực hành các việc đạo đức căn bản.

Đào tạo mục vụ

243. Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 57 đề cập đến ba yếu tố của đào tạo mục vụ: yếu tố nến tảng (những tâm tình, thái độ cư xử như Chúa Giêsu Mục Tử); yếu tố kỹ năng (kỹ năng mục vụ về rao giảng, thánh hoá, lãnh đạo cộng đoàn); yếu tố tương quan (khéo léo trong thực hành những kỹ năng mục vụ).

Các ứng sinh được ôn lại 3 phần Giáo lý đã được học trong 3 năm của thời dự tu (biết đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin) với điểm nhấn là nắm vững được sự nối kết của các phần giáo lý, theo như Tông Hiến “Kho tàng đức tin” của Đức Gioan Phaolô II khi công bố Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ngày 11-10-1992: “Bốn phần được nối kết với nhau : Mầu nhiệm Kitô giáo là đối tượng của đức tin (phần I); Mầu nhiệm ấy được mừng kính và thông truyền trong các lễ nghi phụng vụ (phần II); Mầu nhiệm ấy hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Thiên Chúa trong đời sống luân lý (phần III); Mầu nhiệm ấy đặt nền móng cho kinh nguyện được diễn tả đặc biệt qua kinh “Lạy Cha” và là nội dụng cho lời cầu xin, ca ngợi và chuyển cầu của chúng ta (phần IV)”.

Riêng phần IV về Cầu nguyện sẽ được học và khai triển thực tập trong Năm Tu Đức.

Trước hết, người ứng sinh cần được đào tạo về “tâm hồn tông đồ” với ý thức tiếp nối sứ của Chúa Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Những học hỏi, nhất là việc suy niệm Lời Chúa sẽ giúp các ứng sinh dần dần có được những tâm tình, thái độ cư xử như Chúa Giêsu Mục Tử. Đồng thời, qua những hướng dẫn, những dịp tiếp xúc với những người nghèo, những người bất hạnh, cũng như những cuộc tham quan truyền giáo, những thời gian thực tập tại các giáo xứ sẽ là những cơ hội khơi lên và hun đúc “thao thức tông đồ” nơi tâm hồn các ứng sinh.

244. Tiếp đến, người ứng sinh bắt đầu được hướng dẫn và thực tập dần dần kỹ năng liên hệ tới những nhiệm vụ của linh mục:

  • Nhiệm vụ rao giảng: những gì được học, hướng dẫn và thực tập sẽ được áp dụng để thi hành nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, ví dụ như dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa.
  • Nhiệm vụ thánh hoá: những liên quan về việc thánh hoá mà người ứng sinh được hướng dẫn và làm quen là việc phụ trách phòng thánh, giúp lễ, ca đoàn.
  • Nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn qua hai khía cạnh:

– Tổ chức điều hành cộng đoàn: các ứng sinh được hướng dẫn và làm quen về những hội đoàn (Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio, Hội Hiền Mẫu…) qua những buổi chia sẻ về mục vụ, hay thực tập mục vụ dịp cuối tuần.

– Tổ chức những công cuộc từ thiện xã hội: những người nghèo, những người bất hạnh vẫn là một trong những quan tâm hàng đầu của các mục tử. Người ứng sinh được làm quen và học hỏi cụ thể qua việc tham gia những công tác từ thiện xã hội do giáo phận hay giáo xứ tổ chức.

245. Cuối cùng, yếu tố tương quan khi khéo léo thực hành những kỹ năng mục vụ là vô cùng quan trọng. Chính qua những nhắc nhờ, hướng dẫn, huấn đức cùng với những kinh nghiệm khi làm việc chung, các ứng sinh được đào tạo để biết ứng xử tốt đẹp hơn với mọi người.

Tiêu chuẩn lượng giá

246. Hình ảnh cụ thể về linh mục là “con người của mầu nhiệm, con người của sự hiệp thông, con người của sứ vụ truyền giáo” vẫn tiêu chuẩn để giúp đánh giá và tự đánh giá về kết quả đào tạo. Trong Năm Dự Bị này, việc đào tạo lần đầu tiên được thực hiện tập trung tại cộng đoàn trong một thời gian dài. Chính nơi đây chiều kích cộng đoàn, hay chiều kích Giáo Hội được nhấn mạnh.

  • Trước hết, về “con người của mầu nhiệm”, nếu việc đào tạo trong thời kỳ tìm hiểu ơn gọi nhấn mạnh đặc biệt đến tâm tình và thái độ của ứng sinh khi đến với Chúa Giêsu qua Thánh lễ và Bí tích Hoà giải, thì Năm Dự Bị lại tập trung vào tâm tình mến yêu, học hỏi và vui sống Lời Chúa, trong cộng đoàn, để tập nên giống Chúa Giêsu.
  • Tiếp đến, theo quy trình huấn luyện của Năm Dự Bị, tập quan tâm đến người khác và làm việc chung là trọng tâm của năm đầu tiên khi ứng sinh chập chững bước vào đời mục tử rập theo khuôn mẫu cộng đoàn hiệp thông của các Tông đồ.
  • Cuối cùng, sự nhiệt tình và sáng kiến khi cùng nhau chuẩn bị, tham gia và chia sẻ về những công việc mục vụ cũng như những công tác xã hội được tổ chức trong Năm Dự Bị sẽ là những biểu hiệu giúp đánh giá về tinh thần tông đồ truyền giáo, những kỹ năng mục vụ và khả năng khéo léo khi làm mục vụ.

Nguồn: Sưu tầm