Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc 2

Listen to this article

I. HỘI THÁNH THAM GIA

10. Mẹ Hiền Hội Thánh đã khẳng định rõ vai trò của toàn thể cộng đoàn phụng vụ trong việc thờ phượng Thiên Chúa (giám mục, linh mục, phó tế, người giúp lễ, người đọc sách thánh, ca trưởng, ca đoàn, người xướng thánh vịnh, các tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, và cộng đoàn). Nhờ ơn thánh, cộng đoàn phụng vụ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Ba Ngôi cũng là sự hiệp thông yêu thương. Bằng một cách thế hoàn hảo, dù chia sẻ cho nhau trọn vẹn hiện hữu của mình, nhưng từng Ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hiện hữu nguyên vẹn. Phần chúng ta, “tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.” Hội Thánh khuyến khích mọi thành phần trong cộng đoàn phụng vụ đón nhận hồng ân linh thiêng này và tham dự một cách trọn vẹn “tùy vào phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự.”

11. Trong cộng đoàn được quy tụ, vai trò của cộng đồng các tín hữu đặc biệt quan trọng. “Cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa: bởi Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực.”

12. “Các tín hữu chu toàn nhiệm vụ phụng vụ của mình bằng việc tham gia tích cực. Trước hết phải tham gia từ nội tâm nghĩa là các tín hữu phải kết hợp lòng trí mình với điều họ đọc hay nghe, và cộng tác với ơn trên ban xuống.” Ngay cả khi lắng nghe những bài đọc và những kinh nguyện, hoặc nghe ca đoàn hát, cộng đoàn vẫn tiếp tục tham dự một cách tích cực khi họ “biết kết hợp lòng trí họ với những gì thừa tác viên hay ca đoàn hát, để khi nghe, họ nâng tâm hồn lên cùng Chúa.” Ở những nơi mà nền văn hóa không có thói quen suy niệm trong thinh lặng thì con người rất khó lĩnh hội nghệ thuật lắng nghe bằng nội tâm. Như thế, ta thấy được rằng phụng vụ tuy phải luôn hội nhập văn hóa cách thích đáng, nhưng cũng phải biết giúp văn hóa thấm nhuần Kitô giáo.

13. Để phát huy việc tham gia tích cực, phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có những phút thinh lặng thánh. Sự tham dự vào việc tôn vinh ấy, để đạt tới mức tốt đẹp, hệ tại ở tâm hồn chúng ta muốn cùng hát lên biểu lộ lòng yêu mến Chúa hơn là ở khả năng diễn xướng. Việc tham dự phụng vụ thánh vừa diễn tả vừa tăng cường đức tin trong chúng ta.

14. Riêng tại Việt Nam, nhờ ngôn ngữ có dấu giọng, từ lúc đầu khi mới được loan báo Tin Mừng, các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã đọc kinh lễ, đọc sách đạo theo những cung nhạc khác nhau, dần dà lan tỏa và biến hóa từ địa phận này sang địa phận khác, tạo thành một kho tàng giàu có về các cung kinh, cung sách. Đây là một lợi thế lớn giúp chúng ta có thể chọn lọc để dùng trong các cung chủ tế cũng như trong các lời đối đáp, tung hô như chúng ta đã thường dùng. Ngoài ra, còn có thể nghiên cứu các cung kinh, cung sách, và cả các bài ca vãn, để sáng tạo ra các cung điệu khác cho việc ngâm tụng các Thánh vịnh trong Các giờ kinh phụng vụ, hoặc các câu xướng trong các thánh vịnh đáp ca.

15. Việc tham dự vào phụng vụ đòi hỏi nhiều cố gắng. Đôi khi giọng hát không tương ứng với những xác tín trong lòng. Lại có lúc chúng ta chia trí hoặc bận tâm vì những lo toan trần thế. Thế nhưng, Chúa Kitô vẫn luôn mời gọi chúng ta hòa nhập vào lời ca tiếng hát, vượt lên trên những mối bận tâm, và hiến dâng trọn vẹn con người chúng ta cho bài thánh ca Hiến Tế Vượt Qua của Người để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

II. HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN

16. Hội Thánh luôn cầu nguyện qua các tác viên và cộng đoàn, và có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau trong đời sống của Hội Thánh. Thánh nhạc đích thực nâng đỡ lời cầu nguyện của Hội Thánh bằng cách làm phong phú thêm những yếu tố của lời cầu nguyện ấy. Phần dưới đây nói đến thành phần nhân sự chủ yếu và những yếu tố chính hướng dẫn sự phát triển cũng như việc sử dụng thánh nhạc trong phụng vụ.

A. Giám mục

17. Với tư cách là “người phân phát chính các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Hội Thánh địa phương được trao phó cho mình,” giám mục giáo phận đặc biệt lưu tâm cổ vũ vẻ cao quý của các cử hành phụng vụ, “vẻ mỹ quan của các nơi thánh, của âm nhạc và của nghệ thuật.” Để thi hành chức vụ này, ngài nêu gương sáng khi cử hành phụng vụ, khuyến khích tham gia ca hát, quan tâm đến âm nhạc phụng vụ trong các giáo xứ và trong các cộng đoàn thuộc về giáo phận của ngài, nhất là nơi nhà thờ chính tòa, không ngừng cổ vũ việc dạy dỗ và huấn luyện âm nhạc phụng vụ cho các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh và các nhạc sĩ.

18. Trong vai trò này, giám mục được đội ngũ trong ban phụng tự hoặc ban thánh nhạc của giáo phận trợ giúp. Các ban này là “nguồn đóng góp rất có giá trị, để làm cho nền thánh nhạc trong giáo phận tiến triển hòa nhịp với nền mục vụ về phụng vụ.”

B. Linh mục

19. Linh mục có trách nhiệm cổ vũ âm nhạc phụng vụ trong các cộng đoàn được giao phó cho mình. Vị linh mục chủ sự có ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đoàn phụng vụ, ngài “cầu nguyện nhân danh Hội Thánh và cộng đoàn được quy tụ.” “Khi cử hành Thánh lễ,… ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn, trong cách cử hành và đọc lời Chúa, ngài còn phải lo cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô.”

20. Không bao giờ quá lời khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc linh mục tham gia tích cực vào phụng vụ, nhất là bằng lời ca tiếng hát. Linh mục hát những lời nguyện dành cho chủ sự và những phần đối đáp (giữa linh mục và cộng đoàn) trong phụng vụ tùy theo khả năng của ngài. Khi hát chung với cộng đoàn, linh mục nêu gương khuyến khích cộng đoàn đem lời ca tiếng hát tham gia vào phụng vụ. “Nhưng…, nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Tuy nhiên, linh mục hay thừa tác viên không được đọc thay vì hát chỉ vì muốn tiện cho mình.

21. Các cơ sở đào tạo linh mục, như đại chủng viện, nên huấn luyện cho các linh mục tương lai hát được đến mức tự tin và biết hát những phần dành riêng cho linh mục trong Thánh lễ.

22. Linh mục hát với cộng đoàn những phần chung cho cả cộng đoàn (câu tung hô, điệp xướng, thánh vịnh và những bài ca phụng vụ). Tuy nhiên, linh mục không hát chung với cộng đoàn câu Tung hô tưởng niệm (sau khi truyền phép) hay lời đáp AMEN long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể). Ngài nên lưu tâm đến ca xướng viên và người hát Thánh vịnh khi họ hướng dẫn cộng đoàn ca hát. Để khuyến khích cộng đoàn hát chung, linh mục và ca xướng viên không nên để tiếng của mình lấn át tiếng cộng đoàn, cũng không nên hát câu thưa của cộng đoàn trong phần đối đáp.

C. Phó tế

23. Sau linh mục, thầy phó tế chiếm địa vị cao nhất trong số những người giúp vào việc cử hành Thánh lễ, thầy nên nêu gương bằng cách tích cực tham gia vào việc ca hát của cộng đoàn.

24. Tùy theo khả năng, các phó tế cần được huấn luyện để biết hát những phần dành cho các thầy trong phụng vụ. Các phó tế phải được tập luyện những câu đối đáp giữa phó tế và cộng đoàn, như những câu đối đáp khi công bố Tin Mừng và khi giải tán cộng đoàn. Các thầy cũng nên tập cho biết hát những lời mời gọi khác nhau trong các nghi thức, bài Exsultet, mẫu Thống hối thứ ba, Lời nguyện tín hữu (Lời nguyện chung). Đối với các phó tế có khả năng, nên huấn luyện cho họ biết hát công bố Tin Mừng trong các dịp lễ trọng. Chương trình đào tạo phải có những môn học quan trọng và bắt buộc về thánh nhạc trong phụng vụ.

D. Cộng đoàn phụng vụ

25. “Trong khi cử hành Thánh Lễ, các tín hữu hợp thành dân thánh, dân thuộc về Thiên Chúa, dân hoàng tộc chuyên lo tế tự để tạ ơn Thiên Chúa, dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền không những nhờ tay vị tư tế, nhưng còn cùng với ngài, và để học cho biết dâng chính mình nữa.” Đây là nền tảng để các tín hữu “tham dự trọn vẹn, tích cực và có ý thức”. Chính tính chất căn bản của phụng vụ đòi hỏi sự tham dự như thế.

26. Bởi vì cộng đoàn phụng vụ khi được quy tụ sẽ làm thành một thân thể, nên mỗi một thành viên phải tránh “mọi hình thức sống cá nhân và riêng rẽ, họ phải nhớ rằng họ chỉ có một Cha trên trời và như vậy mọi người đều là anh chị em với nhau.”

27. Ca hát là một trong những cách thế hàng đầu giúp cộng đoàn tín hữu tham gia cách tích cực vào phụng vụ. Là mục tử, các vị đứng đầu cộng đoàn, nhất là cha chính xứ, có nhiệm vụ khuyến khích giáo dân “tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, tiền xướng và thánh ca…” Huấn luyện việc ca hát cho cộng đoàn phải là mối quan tâm liên tục để giúp mọi người tham dự cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức.

28. Để toàn thể dân thánh đều lên tiếng hát, âm nhạc phải hợp với khả năng của họ. Một số cộng đoàn lĩnh hội rất nhanh và muốn thay đổi nhiều thể loại để hát. Một số cộng đoàn khác cảm thấy thoải mái hơn với một số bài hát cố định, để khi hát thì hát dễ dàng. Một tuyển tập những bài ca phụng vụ quen thuộc với nội dung thần học phong phú có thể giúp cộng đoàn đào sâu đức tin nhờ hát đi hát lại đến thuộc lòng. Phải biết thẩm định về mục vụ để thích ứng với mọi trường hợp.

Còn tiếp…

Trích: Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc – Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN

Trả lời