Giáo Dục Nhân Bản Kitô Giáo Trong Chủng Viện – P.2

357 lượt xem Nhân Bản
Listen to this article

Giáo Dục Nhân Bản Kitô Giáo

Trong Chủng Viện – p.02

(trích bài nói chuyện đầu năm nhân dịp khai giảng năm học 2020 – 2021)

B. CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN KITÔ GIÁO[1]

Khi nói tới nhân bản Kitô giáo, ta cần chú ý tới ba chiều kích sau:

1. Khả năng đáp lại Đấng Siêu Việt

2. Khả năng đáp lại Chúa Kitô bằng cách dốc toàn lực xây dựng và thôi thúc người khác xây dựng nước Thiên Chúa.

3. Khả năng dẫn dắt dân Chúa tới một trời mới đất mới với tư cách là thừa tác viên của Lời và các bí tích

Đây là những đường hướng căn bản của việc giáo dục nhân bản Kitô giáo và cũng là một sự dứt khoát đáp trả lại Đấng Siêu Việt, một sự đáp trả kéo theo sự biến đổi xã hội.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ DUY TRÌ SỰ SIÊU VIỆT[2]

Những lời khấn hứa linh mục cam kết sẽ giúp duy trì chiểu kích siêu việt trong lối sống, trong các tương quan và tác vụ của họ.

1. Lối sống khó nghèo, giản dị:

Chúa Giêsu nói rất nhiều về mối nguy hiểm của tiền bạc:

Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Mt 19, 16tt);

Lòng ham mê tiền bạc khiến người ta trở thành sát nhân (Mt 21, 33tt);

Ham mê tiền bạc, danh dự bị Chúa Giêsu chúc dữ (Mt 23, 5 – 11, 14)

Phúc thay những người nghèo khó Mt 5, 3);

Đừng tích trữ kho tàng dưới đất (Mt 6, 19 – 20; Lc 12, 13tt);

Không làm tôi hai chủ (Mt 6, 24)

Để được vào Nước Thiên Chúa, người ta phải coi vật chất, nhà cửa, việc lấy vợ lấy chồng là chuyện thứ yếu (Mt 22, 1tt);

Giàu có không đem lại cho người ta sự sống đời đời (Lc 12, 13tt)

Lòng ham mê tiền bạc là cha đẻ mọi điều gian ác: Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh,4 thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu,5 đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi.6 Đã hẳn, việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ.7 Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được.8 Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ.9 Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong.10 Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé. (1 Tim 6, 3 – 10)

Trộm cướp và tham lam không được vào Nước Thiên Chúa (1 Cr 6, 9tt);

Hãy dùng đôi tay của mình mà làm ăn (Ep 4, 28tt), tham lam là thờ ngẫu tượng (Ep 5, 5); coi mọi sự là thiệt thòi (Pl 3, 1tt).

Khó nghèo là nền tảng của mọi hành vi siêu việt. Xét về mặt tâm lý, đây là việc tin tưởng, phó thác và đây cũng là khả năng dám giao phó đời mình cho người khác.

Về mặt thiêng liêng, ta phải quyết tâm giao phó đời mình cho Thiên Chúa. Khó nghèo chính là nền tảng của việc tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6, 25 – 34). Khi quyết tâm sống khó nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, người ta có thể dứt bỏ một trong những vấn đề sâu thẳm nhất của con người: nhu cầu chiếm hữu.

2. Độc thân khiết tịnh:

Nếu khó nghèo giúp linh mục từ bỏ nhu cầu chiếm hữu, thì độc thân khiết tịnh giúp linh mục từ bỏ nhu cầu sâu thẳm khác là tình yêu đôi lứa, cuộc sống hôn nhân gia đình và việc lưu tồn tên tuổi và nòi giống để thuộc về Chúa, lo việc Chúa và phục vụ tha nhân (1 Cr 7, 29 – 35). Lòng ham mê tiền bạc làm mất uy tín của linh mục thế nào, thì lỗi luật độc thân khiết tịnh không chỉ làm mất uy tín của linh mục mà còn mất uy tín của Hội thánh, và ô danh Thiên Chúa. Muốn trung thành với việc yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, linh mục cần tận dụng mọi phương thế siêu nhiên và tự nhiên:

Siêu nhiên

Khiết tịnh là một đặc sủng, nên phải có ơn gọi, xem ta có khả năng đáp lại những đòi hỏi của bậc sống mình không.

Khiêm tốn cầu xin mỗi ngày ơn bền đỗ (2 Cr 10, 12)

Sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh Thể: Sống lời Chúa mỗi ngày; luôn dâng lời tạ ơn

Tự nhiên

Phải muốn sống khiết tịnh, ai không muốn, không thể sống được

Sống trọn vẹn giấy phút hiện tại

Không phiêu lưu tình cảm; không đứng núi này trông núi kia cao; không bắt cá hai tay.

Chiêm niệm sẽ cho phép linh mục trông thấy Thiên Chúa trong mọi sự và trong mọi biến cố và như thế họ sẽ có thể yêu Ngài trên hết mọi sự

3. Vâng phục:

Nhờ lời thề vâng phục, linh mục kể mình như đã chết đối với ý riêng để ý Thiên Chúa được thành sự nơi mình.

Chúa Giêsu là người vâng phục: Ngài vâng phục qui luật làm người; vâng phục cha mẹ trần gian (Lc 2, 51); vâng phục luật pháp quốc gia (Mt 17, 24 – 27)

Chúa Giêsu vâng phục cha
Vâng phục ý Cha (Ga 6, 38; 8, 28 – 30; 12, 49 – 50): đến độ vâng phục trở thành lương thực, thành lẽ sống của Ngài (Ga 4, 31). Chúa Giêsu vâng phục Cha qua trung gian những kẻ gian ác (Mt 26, 36 – 46: Lc 23, 44 – 46) và vâng phục cho đến chết (Pl 2, 6 – 11: Hr 5, 7 – 10). Đức Kitô thường xuyên tìm kiếm ý Cha. Đó chính là cốt tủy của căn tính Ngài.

Vâng phục để làm gì?
– Vâng phục hơn của lễ (1 S 15, 16 – 23)

– Vâng phục là điều kiện để được ở trong Thiên Chúa (Ga 14, 15)

– Vâng phục là điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa (Mt 7, 21 – 23)

– Vâng phục là dấu chỉ của người môn đệ (Cv 4, 18 – 22; 5, 27 – 32)

Tìm thánh ý Thiên Chúa ở trong Lời Chúa, trong các giáo huấn của Hội thánh, trong quy luật chủng viện hay quy luật của giáo phận, trong các truyền thống đạo đức hay văn hóa phù hợp với tin mừng.

Những lời thề hứa của linh mục không chỉ là những hàng rào che chở cuộc sống tốt lành thánh thiện của linh mục thôi, mà còn giúp linh mục tập trung và sống mối tương quan thường hằng của họ với Thiên Chúa. Mỗi lời hứa đều là một thách đố, làm sao để sự siêu việt xuất hiện trong đời mình. Do thường xuyên đáp lại các thách đố này, linh mục có thể sống một cuộc sống siêu việt. Họ sẽ thành người hơn, vì vinh quang Thiên Chúa chính là con người sống cách sung mãn.

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH DO THIẾU SỰ SIÊU VIỆT[3].

Khi người ta không tìm kiếm và thiếu sự siêu việt, chất người nơi mỗi người sẽ kém phát triển hoặc phát triển cách lệch lạc, méo mó khiến họ không thể vượt qua việc tìm kiếm mình. Sau đây là hậu quả của thiếu sót ấy:

1. Một lối sống tiện nghi thoải mái:

Ai có khuynh hướng chỉ muốn qui chiếu mọi sự về mình thường:

– rất cứng cỏi và bảo thủ

– Không thể giải quyết những căng thẳng, không thể kiểm soát được các hoàn cảnh.

– Dễ dàng sa vào vòng nghiện ngập (rượu chè, bài bạc, trai gái, internet, sex…).

– luôn cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn vì căn bản đời họ không phải là Chúa mà chỉ là việc làm, địa vị, và quyền lực.

– sợ không dám đi vào huyền nhiệm

Linh mục nào có những vấn đề này khó có thể có được một đời sống tâm linh sâu sắc.

2. Những khiếm khuyết về giới tính:

– Những người này thường quá sợ hoặc quá lệ thuộc phụ nữ. 

– Họ luôn bị nỗi cô đơn ám ảnh.

– Thủ dâm trở thành con đường duy nhất để giải quyết những căng thẳng và nhu cầu ân ái của họ.

– Khi không phát triển được giới tính tức mối tương quan lành mạnh với người khác phái, linh mục sẽ bị đồng tính luyến ái, ham muốn tình dục với trẻ em, lệ thuộc người khác hoặc tuyệt vọng trong tình yêu và ham mê quyền lực.

3. Ức chế về quyền bính:

Những người thiếu sự siêu việt thường dễ dàng cảm thấy như bị loại trừ khi những ước mơ và khát vọng của họ không được đáp ứng.

Khi có những xung đột, nhất là những xung đột với các giám mục, linh mục, họ thường bỏ cuộc hoặc trở về với tuổi thơ hung hăng ngày trước và bực bội tức tối. Họ mong những người có quyền nói cho họ biết những người này muốn gì nơi họ. Họ cần một sự rõ ràng, minh bạch. Chính vì thế mà, sự sáng tạo nơi họ thường bị hạn chế, và quyền bính nội tại khó phát triển.

Đó là những nét chính của những người thiếu sự siêu việt, thật bi đát, nhưng do đâu mà có?

C. ĐÀO TẠO SỰ SIÊU VIỆT TRONG CHỦNG VIỆN[4]

Trong chủng viện, các chủng sinh đã không phải bắt đầu từ đầu. Họ đã hình thành rồi. Là chủng sinh, họ đã ở vào lứa tuổi quan trọng của việc hình thành nhân cách, vào giai đoạn giữa hoặc cuối của tuổi thiếu niên. Khi làm linh mục, họ đã ở vào giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành rồi. Vì thế, nhiệm vụ của chủng viện không chỉ là hình thành các linh mục mà còn hướng dẫn họ vượt qua thời kỳ niên thiếu bước vào tuổi trưởng thành. Kinh nghiệm cho thấy rằng các linh mục thường bị khủng hoảng về ơn gọi ít năm sau khi chịu chức vì khi ấy họ mới thực sự trải qua các khủng hoảng của tuổi niên thiếu. Sau cuộc khủng hoảng ấy, họ mới tái dấn thân hoặc là sẽ không dấn thân sống tác vụ linh mục cách ý thức. Bây giờ ta hãy nhìn vào tiến trình giáo dục nhân bản trong bối cảnh cụ thể của các chủng viện.

MỘT CHỦNG SINH TIÊU BIỂU

Những chủng sinh tiêu biểu thường thông minh, học rất chăm và rất tốt. Họ là những “đứa trẻ tốt” và họ muốn duy trì hình ảnh tốt lành ấy trước mắt mọi người. Họ luôn có tài lãnh đạo, là những người theo chủ nghĩa lý tưởng và sẵn sàng phục vụ mọi người.

Giới tính của họ có phần bị ức chế, nhưng đời sống tình cảm của họ bắt đầu bừng tỉnh. Họ rất muốn kiềm chế cảm xúc của họ.

Trong đời sống thiêng liêng, họ luôn có khuynh hướng đạo đức ủy mị, họ ủng hộ quyền bính và thường tuân phục quyền bính.

Họ luôn muốn thỏa mãn ước vọng của gia đình trong việc theo đuổi ơn gọi linh mục của mình.

Họ rất ý thức về những cái bên ngoài và về những gì người ta nói.

Việc tự biết mình còn rất mơ hồ, chưa được hình thành và thường vì họ chưa nhìn vào mặt tiêu cực của nhân cách mình, họ đánh giá mình theo những ước vọng người khác đặt ra cho họ, họ hướng đời mình theo cơ chế của chủng viện.

Họ chưa hề đụng vào các tham vọng, mơ ước thật sự của họ và những thôi thúc tìm kiếm mình nơi họ.

Họ vẫn phải làm sáng tỏ động cơ căn bản của việc theo đuổi tác vụ linh mục của mình.

KINH NGHIỆM CỦA CHỦNG VIỆN

Các chủng viện thường nhấn mạnh đến hình ảnh lý tưởng, sự kiềm chế, kỷ luật và sự giỏi dang về mặt trí thức. Đời sống cộng đoàn thường mang nặng các giá trị của gia đình. Đời sống thiêng liêng thường được đo lường bằng những việc đạo đức bên ngoài. Việc suy nghĩ chín chắn chưa được khuyến khích. Ai không khép mình vào khuôn mẫu này thường bị cho về. Điều đáng nói là các chủng sinh tiêu biểu là những người rập theo khuôn mẫu này, và được khích lệ uốn nắn mình theo các ước vọng và cơ chế của chủng viện.

KẾT QUẢ

Theo nghiên cứu của cha Luigi Rulla thì với những cơ chế như thế của chủng viện, việc đào tạo không kết quả bao nhiêu.

Ta tạo nên những người khổng lồ về mặt tri thức nhưng lại là những kẻ suy dinh dưỡng về mặt tình cảm.

Quá nhấn mạnh đến các cơ chế bên ngoài, ta lơ là với tiến trình nội tâm hoá, với việc suy nghĩ có phê phán, với sự sáng tạo.

Không phát huy việc biết mình, không giải toả được sự dồn nén của giới tính thời niên thiếu, không phát huy được sức mạnh tâm hồn. Chính vì thiếu sự phát triển này mà rất nhiều vấn đề liên quan đến tiền bạc, sex, rượu chè, và quyền bính nảy sinh

Chủng sinh không được học cách giải quyết và vượt qua những nhu cầu, thái độ và hướng sống liên quan tới các mong muốn, tình yêu/ ân ái và quyền lực.

Để tiến đến sự siêu việt vượt quá các cơ chế của chủng viện, ta phải thách đố và đồng hành với chủng sinh qua những kinh nghiệm và những chặng đường căn bản sau:

1. Từ thoải mái tới không thoải mái: chủng sinh phải ra khỏi những thứ quen thuộc, tiến đến những gì xa lạ; phải đi từ chỗ bị kiểm soát đến chỗ tự do, từ những cái có thể tiên liệu đến các mầu nhiệm. Họ phải chết đi với cái tôi ích kỷ của mình để sống nhiều hơn cho cái tôi thật của mình trước Thiên Chúa.

2. Đánh giá lại cách đúng đắn về những thái độ căn bản liên quan đến các sự vật, con người và các biến cố. Xác định lại lời mời gọi đi đến sự siêu việt làm nên căn tính của ơn gọi linh mục. Việc xác định này phải giúp họ có khả năng sống các mối phúc thật trong đời họ.

3. Từ vỡ mộng đến sự thống nhất mới. Nhờ kinh nghiệm hằng ngày và nhờ suy nghĩ chín chắn, chủng sinh sẽ phá vỡ huyền thoại về mình, về cuộc sống, và về tác vụ linh mục để có thể đụng chạm được thực tế gai góc của chúng. Qua việc thực hành chiêm niệm, chủng sinh nhận ra sự hiện diện và đón nhận được ân sủng của Chúa, nhờ thế họ tiếp tục vươn lên.

Khởi điểm của mọi bài học về sự siêu việt bao giờ cũng là thập giá.

KẾT LUẬN

Bước vào niên khoá 2020 – 2021, với tư cách là chủng sinh, ta cần xác định, ta được mời gọi:

–  Thể hiện chất người và cũng là hình ảnh Thiên Chúa nơi ta: không sống cho mình mà sống cho người khác

–  Trở thành người trưởng thành

–  Biết mình, biết những mặt mạnh, mặt yếu của mình; biết địa vị của mình trong xã hội và có những cách ứng xử phù hợp với địa vị của mình

–  Làm chủ bản thân, nhất là làm chủ tình cảm và cảm xúc của mình.

 –  Có tinh thần thần trách nhiệm và có khả năng chu toàn trách nhiệm

–  Hướng về sự siêu việt để trở thành các thừa tác viên hiệu năng của tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, nên ta cần một đức tin trưởng thành

–  Biết đón nhận với lòng biết ơn tất cả những gì Thiên Chúa nói qua Lời Ngài

–  Biết đón nhận tất cả mọi sự kể cả những thứ dưới mắt thế gian là xui rủi, tai họa với lòng biết ơn vì tin rằng Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho ta.

–  Biết dành thời gian tham dự các bí tích, và tự mình có những giờ riêng tư với Chúa mà không bị bất cứ áp lực nào.

–  Biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì các thánh của Thiên Chúa không phí sức vào việc càm ràm, chửi rủa mà luôn hân hoan bước đi trên con đường thánh giá[5].

–  Như thế, việc học trong chủng viện khác với việc học tại các trường đại học. Tiêu chuẩn để dánh giá một sinh viên là điểm. Tiêu chuẩn để đánh giá một học viên trong các chủng viện và học viện là sự thay đổi cuộc đời. Muốn đạt kết quả này, chủng sinh cần đưa mọi tư liệu học được trong lớp vào trong cầu nguyện, nhờ thế Chúa Giêsu và Thần khí tình yêu của Ngài sẽ biến các tư liệu ấy thành các kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa và biến đổi họ nên như Ngài.

(Hết)

Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R


[1] Quilongquilong S.J. Called to serve the Lord, A manual for Vocation assessment, Claretian 1992, 32.
[2] Ibid., 33 – 35.
[3] Quilongquilong S.J. Called to serve the Lord, A manual for Vocation assessment, Claretian 1992, 35 – 36
[4] Ibid., 37 – 40.
[5] Gaudetet et Exsulate, 72.

Trả lời