Giáo Dục Nhân Bản Kitô Giáo
Trong Chủng Viện (p.01)
(trích bài nói chuyện đầu năm nhân dịp khai giảng năm học 2020 – 2021)
Để là linh mục, ta phải là Kitô hữu. Để là Kitô hữu ta phải là người. Năm 2010, đại hội dân Chúa lần đầu tiên được tổ chức tại Việt nam, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân. Trong những cuộc hội thảo, giáo dân được tự do phát biểu ý kiến. Nhiều giáo dân đã đưa ra những đề nghị hơi sốc, đòi phải ĐÀO TẠO NHÂN BẢN cho các linh mục. Họ nói, linh mục trẻ hôm nay không biết mình là ai và có những cách ứng xử không phù hợp với địa vị của mình. Họ đưa ví dụ cụ thể, một cha mới có ba mươi mấy, bốn chục tuổi, xưng “tôi” với một ông cụ 80 và la mắng xối xả. Họ kết luận, thấy thế, người không có đạo, có muốn theo đạo không. Đúng là một nỗi nhức nhối !
Trong bài nói chuyện hôm nay, định hướng cho một năm học mới của chủng viện, tôi xin được chia sẻ về việc đào tạo nhân bản Kitô giáo trong chủng viện.
A. ĐÀO TẠO NHÂN BẢN
Nói tới nhân bản là nói tới cái “chất” làm cho ta thành người và khác với các loài khác.
1. Chất người :
Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài. Thiên Chúa là tình yêu và là Ba Ngôi, nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất. Nên để con người được nên hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ban cho họ một khả năng yêu thương và hợp nhất với nhau như Ngài. Hễ đã yêu và hợp nhất thì bao giờ cũng đòi phải quên mình, sống cho tha nhân. Nên loài người là loài duy nhất biết nghĩ tới tha nhân, biết sống cho tha nhân và cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ và hy sinh cho họ. Loài vật không có khả năng này.
Vì thế, ta có thể định nghĩa “chất người” là sống cho tha nhân và chỉ hạnh phúc khi người ta hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã thể hiện chất người này cách tuyệt hảo
Ngài không nghĩ tới mình mà chỉ quan tâm tới tha nhân. Đói, Ngài chấp nhận đói (Lc 4, 3- 4); chết, Ngài chấp nhận chết (Lc 23, 44 – 45), không sử dụng quyền năng Thiên Chúa để phục vụ bản thân mình (Lc 4, 1 – 13).
Ngài lo cho người ta đến không còn giờ ăn uống nghỉ ngơi (Mc 3, 20). Vừa thoát khỏi đám đông, tới nơi nghỉ ngơi, nhưng khi thấy dân chúng, Ngài không phiền trách mà chạnh lòng thương, thậm chí Chúa Giêsu còn chấp nhận bị chống đối khi chữa lành người ta vào ngày sabbath (Mt 12, 6 – 14). Ngài đã chết cho kẻ tội lỗi khỏi chết (Mt 27, 15 – 18) và đã tha cho những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá (Lc 23, 34).
Trong Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha cũng cho thấy thánh là sống đúng chất người này. Cuộc đời của các thánh bao giờ cũng được đánh dấu bằng các nhân đức anh hùng, bằng việc hy sinh cuộc sống trong việc tử đạo và trong việc phục vụ tha nhân có khi còn phục vụ cho đến chết. Ví dụ, thánh Maximilien Kolbe[1]
Đức thánh cha gọi những người sau là “giai cấp trung lưu của sự thánh thiện”[2], những cha mẹ nuôi dạy con cái bằng tình yêu khôn tả, những người làm việc cực nhọc để nâng đỡ gia đình, những người yếu đau, các tu sĩ tuổi già sức yếu mà nụ cười vẫn nở trên môi, những người luôn phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa[3].
Như thế, ta chỉ là người khi ta biết nghĩ tới, biết sống cho, biết phục vụ tha nhân.
Làm thế nào để có được thói quen này?
Đức Thánh Cha Phanxicô dạy ta : đừng quên rằng Chúa Giêsu đã xin các môn đệ để ý đến các chi tiết.
Chi tiết nhỏ của việc tiệc cưới hết rượu
Chi tiết nhỏ về một con chiên mất
Chi tiết nhỏ của việc bà góa dâng cúng hai đồng xu
Chi tiết nhỏ về đèn hết dầu, chú rể tới trễ
Chi tiết nhỏ của việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh.
Chi tiết nhỏ của việc nhóm lửa, nướng cá khi chờ các môn đệ lúc bình minh[4].
Cộng đoàn nào ấp ủ các chi tiết nhỏ của tình yêu, các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và tin mừng hoá, bao giờ cũng là nơi Chúa phục sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc qua những chi tiết nhỏ này, ta được ban cho các kinh nghiệm an ủi về Thiên Chúa[5].
Người là thế! Nên người trưởng thành là người làm cho chất người này nổi bật hơn trong đời mình.
2. Người trưởng thành
Đức giám mục Diarmuid Martin, Ireland, trong cuộc hội thảo quốc tế ngày 4 .4. 2011, về lạm dụng tình dục của Giáo sĩ[6], đã nói, là một linh mục ngày nay đòi hỏi một sự trưởng thành cao độ về nhân bản và tâm linh để có thể đương đầu với những thách đố của việc phục vụ cộng đoàn cách đích thật… Ta cần những linh mục tương lai thật sự am tường về lời kêu gọi tự hiến hoàn toàncủa Chúa Giêsu[7].
Những biểu hiện của sự thiếu trưởng thành[8]
Khi không quan tâm tới trưởng thành nhân bản, coi đó chỉ là thứ yếu phụ thuộc, giáo hội sẽ sản sinh ra nhiều người tận hiến thiếu trưởng thành. Sự thiếu trưởng thành này cộng với những nguyên nhân gây căng thẳng đã tạo ra những lạm dụng tình dục trong giáo hội và tình trạng bê bối ấy sẽ tiếp tục thể hiện dưới những kiểu cách khác nhau
Biểu hiện của sự thiếu trưởng thành chính là ích kỷ, tuỳ tiện, gay gắt, ngạo mạn, tiêu cực, khép kín, hay chỉ trích, nghiện ngập. Đó là những nguyên nhân gây rắc rối.
Thiếu trưởng thành còn khiến người ta thiếu quyết đoán, thiếu khoan dung, thiếu kiên nhẫn, thiếu tự trọng, khiến người ta trở nên hà khắc, hung hăng, bốc đồng, huênh hoang, độc đoán, tự ti, không biết nhận lỗi.
Những dấu hiệu của sự trưởng thành nhân bản[9]
Biết mình:
Biết mình là nam để có sự phát triển sự hài hoà và quân bình giữa nam tính và nữ tính nơi mình: cứng rắn quá sẽ thành hung bạo, uỷ mỵ quá sẽ đánh mất sự uy hùng của nam giới.
Biết mình là người, để phát huy chất người nơi mình, giảm bớt những xung động và đòi hỏi của bản năng, và việc quy về mình cách thái quá[10]
Biết chỗ đứng của mình trong gia đình và xã hội để có những cách ứng xử phù hợp.
Biết mình là Kitô hữu, để luôn chết đi cho thế gian mà sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (Rm 6, 3 – 11).
Biết mình là chủng sinh để giữ tư cách là chứng nhân của Chúa giữa thế gian
Biết mình, thấy rõ mình với những ưu, khuyết điểm của mình và những tiềm năng của mình
Biết mình là nền tảng của sự trưởng thành. Điều quan trọng đối với chủng sinh là họ phải có kinh nghiệm về mình, biết mình là ai, nhất là đối với những người xuất thân từ tiểu chủng viện. Qua một hai năm làm việc ở ngoài chủng viện, có sự giám sát và trong một tiến trình bình thường, chủng sinh có thể biết rõ những yếu, nhược điểm của mình[11].
Nếu khi bắt đầu học thần học mà chủng sinh vẫn chưa biết rõ mình là ai, họ sẽ có khuynh hướng củng cố mình bằng cách tự vệ. Lý do vì sao có quá nhiều sinh viên thần học thiếu trưởng thành là vì những sinh viên này không có khả năng biết mình thực sự là ai. Một trong những khó khăn phổ biến của các người này sau khi làm linh mục là họ tự đánh giá quá thấp về mình, và để bù lại, họ chỉ còn biết làm việc và làm việc[12].
Đòi hỏi đầu tiên là biết rõ mình và biết sống cách thận trọng[13], không bao giờ được lơ là với việc biết mình. Đây là một đòi hỏi quan trọng đối với mọi bậc cầu nguyện. Dù ta đã đạt đến bậc cầu nguyện cao siêu đến đâu đi nữa, thì ta cũng vẫn phải thường xuyên trở về với việc biết mình này. Thánh Têrêsa Avila nhấn mạnh, biết mình tội lỗi là bánh ăn với mọi món ăn khác, không có bánh này, ta sẽ không thể dùng bữa, nhưng cũng phải dùng cách điều độ. Vì thế, kiểm điểm đời sống và quá khứ để biết mình là một đòi hỏi quan trọng[14]. Biết mình tội lỗi và luôn đặt trước mắt ta những lầm lỗi của mình để ta khỏi thấy những lầm lỗi của người khác, coi mọi người khác tốt hơn ta, cũng là điều cần thiết để nên hoàn hảo, để đạt được một nhân đức chắc chắn. Ta cần cầu xin cho được ơn này[15].
Có tinh thần trách nhiệm và có khả năng chu toàn trách nhiệm[16]
Ngài trưởng thành chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả của các hành vi của mình, không lẩn tránh, không đổ lỗi cho người khác.
Họ biết tổ chức ngày sống cách vui tươi, sáng tạo và hiệu năng.
Họ không bị lệ thuộc ai, nhưng vẫn tôn trọng và có trách nhiệm với mọi người.
Họ luôn để ý tới những công việc, môi trường, hoàn cảnh của cộng đoàn và xã hội. Họ có khả năng chu toàn mọi nhiệm vụ, và không ngại làm cả những việc không phải của mình vì lợi ích chung và vui mừng được đóng góp cho cộng đoàn và cho giáo hội. Vì thế họ rất có uy tín, và là người đáng tin cậy.
Ngược lại, người thiếu trưởng thành là người không để ý gì tới ai, sống rất hời hợt, được chăng hay chớ, nhiều lần không thể hoàn tất nhiệm vụ của mình và vẫn không áy náy.
Làm chủ bản thân
Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.20 Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật.21 Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật.22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người (Rm 9, 19 – 22).
Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng. Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau.3 Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy. Rm 14, 1 – 3
Đừng vì một thức ăn mà phá huỷ công trình Thiên Chúa. Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu.21 Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã (Rm 14, 20 – 21).
Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình.2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy (Rm 15, 1 – 4).
Là người hiến mình cho Thiên Chúa, ta phải làm chủ bản thân[17]
Cần nói thì nói, không cần thì thôi, cần làm thì làm, không cần thì thôi, không ai ép ta được…
Thấy đúng thì làm, một mình cũng làm; không sợ ai phê phán khi làm đúng sự thật.
Trưởng thành tình cảm: làm chủ tình cảm
Làm chủ tình cảm gia đình: không để tình cảm gia đình chi phối cách tiêu cực tới cuộc sống mình
Làm chủ tình bạn
Làm chủ tình yêu đôi lứa
Làm chủ tình cảm vui, buồn; yêu ghét
Để có được và nuôi dưỡng sự trưởng thành, ta cần[18]:
Có một lý trí sáng suốt, một ý chí mạnh mẽ, một tình cảm quân bình và một đời sống tâm linh vững chắc.
Lý trí sáng suốt: Biết cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tốt, cái gì xấu dựa trên Lời Chúa, giáo huấn của Hội thánh và các truyền thống đạo đức và văn hóa phù hợp với Tin mừng
Biết phê phán mọi sự dưới ánh sáng Lời Chúa trong tinh thần xót thương và xây dựng. Đồng thời cũng biết đón nhận những phê bình của người khác.
Thói quen học hỏi và tìm kiếm sự thật là lương thực bổ dưỡng quan trọng cho một lý trí sáng suốt.
Một ý chí mạnh mẽ
Biết can đảm làm điều tốt, tránh điều xấu bằng mọi giá.
Biết can đảm đứng lên theo lời mời gọi của Chúa khi vấp ngã.
Luyện tập nhân đức, thực hành khổ chế là con đường bằng phẳng đưa tới một ý chí mạnh mẽ.
Một tình cảm quân bình: yêu chuộng sự thật, sự tốt lành và xa lánh sự dối trá, xấu xa.
Một đức tin trưởng thành
Biết đón nhận với lòng biết ơn tất cả những gì Thiên Chúa nói qua Lời Ngài
Biết đón nhận tất cả mọi sự kể cả những thứ dưới mắt thế gian là xui rủi, tai họa với lòng biết ơn vì tin rằng Thiên Chúa là tình yêu, chỉ muốn điều tốt lành cho ta.
Biết dành thời gian tham dự các bí tích, và tự mình có những giờ riêng tư với Chúa mà không bị bất cứ áp lực nào.
Biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì các thánh của Thiên Chúa không phí sức vào việc càm ràm, chửi rủa mà luôn hân hoan bước đi trên con đường thánh giá[19].
Người trưởng thành là người thể hiện ân sủng nơi bản thân mình, dễ dàng hoà giải và tha thứ; hân hoan trong các mối tương quan; chân thành, có nói có, không nói không, không thêm, không bớt; có uy tín; có trách nhiệm đối với bản thân và lời nói việc làm của mình; linh hoạt, thích nghi[20].
(Còn tiếp)
Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R
[1] X. Gaudete et Exsultate, số 5
[2] JOSEPH MALEGUE, Pierres noires. Les classes moyenenes du Salut, Paris, 1958.
[3] X. Gaudete et Exsultate, số 7
[4] X. Gaudete et Exsultate, 144
[5] THÉRÈSE HÀI ĐỒNG GIÊSU, Manuscript C, 29 v-30r.
[6] Văn phòng đào tạo, Rôma, Hướng Đến Diện Mạo Mới của Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế (2016), tr. 102.
[7] Ibid., 105.
[8] Văn phòng đào tạo, Rôma, Hướng Đến Diện Mạo Mới của Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế (2016), tr. 106 – 108
[9] Ibid., 112 – 114
[10] Ibid., 113.
[11] Quilongquilong S.J. Called to serve the Lord, A manual for Vocation assessment, Claretian 1992, 20; Văn phòng đào tạo, Rôma, Hướng Đến Diện Mạo Mới của Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế (2016), tr. 112.
[12] Ibid., 20
[13] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tự Thuật, tr. 106
[14] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tự Thuật, tr. 89
[15] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tự Thuật, tr. 107.
[16] Văn phòng đào tạo Rôma, 2016, Hướng Đến Dung Mạo Mới Của Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế, tr. 114.
[17] Văn phòng đào tạo, Rôma, Hướng Đến Diện Mạo Mới của Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế (2016), tr. 113.
[18] Nguyễn Đức Thông CSsR, Thần Học Luân Lý Căn Bản, nxb Đồng nai, 2019, tr. 129 – 130.
[19] Gaudetet et Exsulate, 72.
[20] Nguyễn Đức Thông CSsR, Thần Học Luân Lý Căn Bản, nxb Đồng nai, 2019, tr. 1129 – 130.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận