Tiền thân của Linh Thao là câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa với thánh I Nhã Loyola. Sau khi hệ thống và viết lại câu chuyện đời riêng thành sách, Linh Thao đã giúp rất nhiều tâm hồn gặp và yêu vị Thiên Chúa sẵn lòng tìm gặp họ. Hoa trái thiêng liêng và sự hấp dẫn của Linh Thao sống động không chỉ trong thời gian các thao viên làm Linh Thao, mà còn theo vào cuộc sống đời thường của họ.
Văn Cương, SJ – Vatican News
Tác phẩm: Linh thao là gì hở mẹ
Tác giả: Bartolomeo Nguyễn Anh Huy, SJ & Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Linh thao
Tiền thân của Linh Thao là câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa với thánh I Nhã Loyola. Sau khi hệ thống và viết lại câu chuyện đời riêng thành sách, Linh Thao đã giúp rất nhiều tâm hồn gặp và yêu vị Thiên Chúa sẵn lòng tìm gặp họ. Hoa trái thiêng liêng và sự hấp dẫn của Linh Thao sống động không chỉ trong thời gian các thao viên làm Linh Thao, mà còn theo vào cuộc sống đời thường của họ. Linh Thao khởi đi từ hoàn cảnh cụ thể của phận người, rồi quy hướng đời mình về Thiên Chúa. Do vậy, Linh Thao vừa rất hiện sinh, nhân bản mà cũng rất qui Kitô. Vượt không gian và thời gian, Linh Thao thấm nhập vào các nền văn hóa khác nhau, đụng chạm rất nhiều phận người và giúp họ gặp gỡ Đức Kitô.
Sách Linh Thao Là Gì Hở Mẹ của hai tác giả trẻ Bartolomeo Nguyễn Anh Huy, S.J., và Giuse Lê Đắc Thắng, S.J., là một thí dụ về năng động và sức sống của Linh Thao vẫn hiện hữu trong thời hiện đại. Hai Giêsu hữu trẻ đã hình tượng hóa việc khắc khoải truy tìm ra hướng đi và ơn gọi đời mình thành câu chuyện mở để sẻ chia cho tha nhân. Sách gồm những cuộc đối thoại như cuộc chất vấn giữa Đức Minh, Mẹ và Bố của Minh. Đó là câu chuyện mà chính Thiên Chúa đang viết bằng Thánh Thần trong tâm khảm và cung cách sống của mỗi người trong một gia đình cụ thể. Sách như một lời tự sự, sẻ chia cùng các bạn trẻ cùng thời đại đang đứng trước điểm xác định hướng đi và ơn gọi đời mình.
Là gì hở mẹ?
Là gì hở Mẹ…
Đó không phải câu hỏi đi tìm đáp án, nhưng là tiếng lòng ngây ngất của trẻ thơ trước một điều mới mẻ. Lắm khi cái ngạc nhiên ngây ngô lại mở ra những chân trời diệu kì.
Là gì hở Mẹ…
Đó là cuộc chuyện trò giữa Mẹ và con. Chuyện nhà Đạo, mà không xa đời. Có khi đó cũng là từng trang nhật ký, là đôi lời nguyện cầu…
Mỗi đứa con, tùy lứa tuổi, giới tính, cá tính… sẽ có những bận tâm, trăn trở rất riêng.
Mẹ, trước hết, là người mang nặng đẻ đau, đêm ngày dưỡng dục con cái. Cha mẹ là ông giáo, bà giáo đầu tiên.
Mẹ, đó cũng là Giáo Hội. Hội Thánh là Mẹ. Người mẹ nói gì với con, làm gì cho con, thì cũng vì tình yêu thương.
Mẹ, tiếng thân thương này cũng dành cho Mẹ Maria – mẫu gương cầu nguyện của người môn đệ: “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Cuộc sống có những điều chỉ được thấu hiểu và thấm thía bằng đời cầu nguyện. Con tìm với Mẹ…
Chữ “Mẹ” trong tựa đề loạt sách vì thế được viết hoa.
Là gì hở Mẹ? không chỉ trình bày kiến thức, mà còn ước mong chia sẻ những tâm tình có được từ “trường cầu nguyện”, tức cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.
Như một nỗ lực tìm hiểu, đào sâu và chia sẻ kho tàng đức tin-linh đạo Kitô giáo, loạt sách … là gì hở Mẹ? sẽ lần lượt cùng bạn đọc khám phá vẻ đẹp và sức sống của Lời Chúa, của đời sống Kitô hữu ngang qua các chủ đề “cũ mà luôn mới”, chẳng hạn: Thánh lễ là gì hở Mẹ? Bí Tích là gì hở Mẹ? Hôn Nhân là gì hở Mẹ? Giáo Hội là gì hở Mẹ? Kinh Thánh là gì hở Mẹ? Ba Ngôi là gì hở Mẹ? Linh Thao là gì hở Mẹ? v.v…
Tác giả và thao thức
Những năm tháng trau dồi thần học căn bản, cách riêng tại Pontificia Università Gregoriana (Roma) và Loyola School of Theology (Manila), anh em chúng tôi gặp không ít những bạn học và giảng viên vốn là giáo dân. Lời này gieo vào lòng chúng tôi nhiều thao thức: “Mình không phải tu sĩ, nhưng mình muốn học thần học cho tốt để sau này dạy thần học. Mình đã gác lại việc kinh doanh để đi học. Ở trường mình học được rất nhiều điều thú vị và ý nghĩa, không quá khó mà lại rất hữu ích cho đời sống đức tin. Tại sao không?” Thế là chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về dự án này, làm sao để chia sẻ những gì mình được học ở trường lớp bằng một cách thức dễ tiếp cận, một ngôn ngữ đủ gần gũi với tín hữu Việt Nam, cách riêng là với anh chị em giáo dân vốn đầy lòng đạo, riêng hơn nữa là với các bạn trẻ vốn đầy nhiệt tâm và thiện chí.
Nội dung
Cuốn đầu tiên trong loạt sách … là gì hở Mẹ? mời độc giả đi vào câu chuyện và nội tâm của Đức Minh – một bạn nam sinh viên Công giáo lần đầu đi Linh Thao, qua đó chúng tôi ước mong giới thiệu Linh Thao cho những ai chưa có dịp “đi” một lần trong đời; hoặc cùng chia sẻ, đào sâu kinh nghiệm với những ai đã từng làm Linh Thao và giúp Linh Thao. Phải thừa nhận rằng, kinh nghiệm được đào luyện và “đón lửa” trong Linh Thao đã thôi thúc anh em chúng tôi “giữ lửa” và ao ước “truyền lửa” cho quý độc giả ngang qua nỗ lực thực hiện cuốn sách nhỏ này.
Theo cha thánh I nhã Loyola viết trong cuốn LT: Ví như việc đi dạo, đi bộ, chạy bộ là những việc ‘thể thao’, thì cũng thế, ‘Linh Thao’ bao gồm mọi cách xét mình, suy niệm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng lời hay bằng tâm trí, và các việc thiêng liêng khác, nhằm giúp dọn dẹp và chuẩn bị linh hồn xa bỏ những quyến luyến lệch lạc, sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình”
Vậy chỉ cần luyện xong cuốn sách này là chúng ta có thể đạt được những mục đích trên, chúng ta có cần đi dự các khoá Linh thao?
Câu trả lời chính là: Linh Thao là tập luyện. Nếu bạn không nhập cuộc, bạn sẽ chẳng bao giờ có được trải nghiệm của người trong cuộc, và mãi mãi chỉ là kẻ đứng ngoài hình dung về những điều được viết. Sách Linh Thao đề xuất một hành trình để thao viên – tức người làm Linh Thao – nhập cuộc, khám phá bản thân, gặp gỡ Thiên Chúa, định hướng lại cuộc đời, và dấn thân phục vụ. Linh Thao giống như một “ngôi trường” huấn luyện đời sống cầu nguyện, đời sống tâm cảm, khả năng nhận định và lựa chọn… Trong Linh Thao một số người còn được cả kinh nghiệm thần bí nữa. Đọc sách thôi thì chưa đủ!
Tập luyện chính là chìa khoá của Linh thao, hay như cách giới trẻ ngày nay thường nói, bạn không thể có cơ tay nếu chỉ nhìn người khác tập gym.
Vậy mục đích chính của Linh Thao là để đi đến một chọn lựa đúng đắn hay để kết hiệp mật thiết với Chúa?
Câu trả lời là cả hai. Người Kitô hữu chỉ thực sự chọn lựa đúng đắn khi tìm kiếm và thực thi ý Chúa.
Nhiều người nhờ Linh Thao mà đón nhận cuộc sống này với cái nhìn tươi mới hơn. Cuộc sống của họ sẽ trở nên trật tự hơn, không phải theo nghĩa kỉ luật nhà binh, mà là có cho mình một bậc thang giá trị được định hướng theo Tin Mừng, nếu không muốn nói là thấy mọi sự đều mới mẻ trong cái nhìn của Thiên Chúa. Thao viên, tức người làm Linh Thao, được mời gọi không ngừng kết hợp với Chúa cách sâu xa và chân thật trong mọi hoàn cảnh để có cách ứng xử như Chúa. Theo cách nói của các tu sĩ Dòng Tên là “chiêm niệm trong hoạt động”.
Tại sao LT lại có vẻ quan trọng và quý giá?
Trong bức thư đề ngày 16.11.1536 gửi cho cha Emmanuele Miona, cha giải tội của ngài, thánh Inhaxiô – Đấng sáng lập Dòng Tên viết: “Cha kính mến, những bài Linh Thao là tất cả những gì tốt nhất mà ở đời này con có thể suy ngẫm, cảm nghiệm và thấu hiểu được. Một mặt, Linh Thao giúp một người tiến bước trong đời sống thiêng liêng; mặt khác, nhờ hoa trái của Linh Thao mà người ấy có thể trợ giúp và đồng hành với nhiều người khác nữa”.
Mục lục
Mẹ à, con đi Linh Thao
Bốn tuần trăng mật
Đó là một buổi chiều thật đẹp
Người khôn xây nhà trên đá
Về với lòng
Ngôi trường cầu nguyện
Có những điều nho nhỏ
Trở về trong vòng tay ôm
Ngai đang gọi con đấy
Như phim, mà không phải phim
Tôi đang theo ai và tôi đang ở đâu
Thưa quý thính giả,
Tác phẩm “LT là gì hở mẹ” dày 261 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm sẽ giúp quý thính giả từng tham dự khoá LT có dịp để nhìn lại và đối chiếu những kinh nghiệm của chính mình ngang quan những trang sách. Với quý thính giả chưa từng tham dự khoá LT sẽ có dịp để hình dung, mường tượng gần hơn về LT trước khi có quyết định dấn bước vào một hành trình nội tâm thiêng liêng.
Linh Thao Là Gì Hở Mẹ được viết với lời văn đơn sơ và dí dỏm. Qua các cuộc trò chuyện thân tình giữa nhân vật Đức Minh với Mẹ và Bố, sách trình bày tổng quan về cấu trúc vận hành bốn tuần Linh Thao. Từng bước, sách giúp độc giả hiểu năng động của Linh Thao. Bắt đầu từ ao ước nội tâm của nhân vật chính, anh đi vào tiến trình Linh Thao với bài Nguyên Lý Nền Tảng, thực hành Xét Mình, cầu nguyện để nhận ra Ý Chúa, những chuẩn bị xa gần cho cuộc gặp gỡ và biến đổi cá vị của nhân vật chính. Hành trình này mời độc giả cùng nhân vật chính đi vào cuộc thanh luyện trong ân sủng với lòng biết ơn, để được tự do và soi sáng để bước theo Chúa Giêsu từ nhập thể, đời sống sứ vụ công khai, cuộc khổ nạn, và sau cùng vui hưởng mầu nhiệm Phục Sinh với Ngài.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận