Các Giám mục châu Á đáp ứng những thách đố đang nổi lên với lòng trắc ẩn

Listen to this article

Tại buổi họp báo tổng kết 12 ngày đầu Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, 24/10, Đức Hồng Y Charles Bo mô tả Đại hội như là một cử hành sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong suốt 50 năm qua. Tại Á châu, Kitô giáo tiếp tục hiện hữu nhờ những mục tử như Môsê, và người đánh cá như Phêrô, là những người tiếp tục nghe tiếng gọi của Chúa.

Ngọc Yến – Vatican News

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức Đại hội tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan ở Bangkok, Thái Lan, từ ngày 12 đến ngày 30/10/2022, với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện cho 29 nước châu Á. Đại hội tập trung vào chủ đề “Cuộc hành trình chung của các dân tộc Á Châu: và họ đã đi con đường khác” (Mt 2,12).

Đại hội nhắm tổng kết nửa thế kỷ hoạt động của Liên HĐGM, để nhận thức về những thực tế mới đang nổi lên trong các xã hội tại châu lục và trong các Giáo hội châu Á, để canh tân hành trình “tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giêsu ở châu Á”.

Với mục đích này, giảng trong Thánh lễ khai mạc ngày 12/10, Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục của Yangon và Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu nhấn mạnh: “Chúa Giêsu được sinh ra ở châu Á và người dân trên lục địa rộng lớn này đang đợi chờ khuôn mặt Á châu của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi để đạt tới một sự hoán cải thiêng liêng tận căn, và sự hoán cải này tiếp tục kêu gọi chúng ta bước đi cùng nhau. Đây cũng là lời mời gọi của Chúa để tái xác nhận, canh tân và mang lại sức sống mới cho toàn thể Giáo hội. Chúng ta đang bước đi cùng nhau trên con đường đã được mở ra và ghi dấu bởi hàng trăm mục tử, giáo lý viên và tất cả những người loan báo Tin Mừng ở châu Á”.

Đức Hồng Y giải thích thêm rằng châu Á là cái nôi của các tôn giáo thế giới. Châu Á có một tâm linh sâu sắc và ngay cả những người từ phương Tây cũng đang hướng về phương Đông để được trải nghiệm về Chúa. Con người không tìm kiếm lời giải thích mà là sự cảm nghiệm về Chúa, không chỉ qua lời nói nhưng còn qua hành động và nội tâm. Nhiều cộng đồng bản địa ở châu Á dạy chúng ta cách chia sẻ và chăm sóc trái đất và trở thành người quản lý thiên nhiên tốt lành theo tinh thần của Thông điệp Laudato si’.

Chúa Kitô hiện diện tại châu Á

Tại buổi họp báo tổng kết 12 ngày đầu của Đại hội, 24/10, Đức Hồng Y Charles Bo mô tả Đại hội như là một cử hành sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong suốt 50 năm qua. Đức Hồng Y nói rằng trong các phiên họp của Đại hội, cùng với những ân sủng đã lãnh nhận, những đau khổ và thách đố của người dân châu Á đã được trình bày.

Tổng Giám Mục Yangon so sánh những thách đố mà các Giám mục châu Á đã phải đối diện trong những ngày vừa qua khi xem xét những thực tế mới nổi trong khu vực, giống như ông Môsê đứng trước bụi cây cháy và hỏi Chúa làm thế nào ông có thể hoàn thành điều Chúa yêu cầu. Đức Hồng Y nói câu trả lời giống nhau “Ta sẽ ở với ngươi”. Kitô giáo tiếp tục hiện hữu nhờ những mục tử như Môsê, và người đánh cá như Phêrô, là những người tiếp tục nghe tiếng gọi của Chúa.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, ở châu Á người Công giáo chỉ chiếm 2% dân số. Mặc dù là thành phần thiểu số, nhưng sự hiện diện của họ rất hiệu quả. Qua những người Công giáo, khuôn mặt của Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện tại Á châu.

Sứ điệp cho người dân châu Á

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục của Mumbai và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ chia sẻ về cách tiến hành Đại hội. Theo đó, cho đến nay đây là cuộc quy tụ lớn nhất của các Giám mục châu Á và là Đại hội đầu tiên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Ngài nói: trước Đại hội, một số cuộc tham vấn đã được tổ chức ở cấp khu vực để xác định “Những quan tâm, thách đố và cơ hội” cho các Giáo hội và xã hội. Những điều này đã trở thành nền tảng định hình Đại hội.

Phần đầu tiên là thăm viếng các quốc gia thành viên để hiểu hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tôn giáo, biến đổi khí hậu, v.v. Trong những ngày đầu, Đại hội dành riêng để thảo luận về những vấn đề này. Khi chuyển sang việc xem xét những thực tế mới nổi, các tham dự viên đã có những tình huống cụ thể để áp dụng những thực tế đang được trình bày.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ còn cho biết trong tuần lễ cuối cùng này, các Giám mục cố gắng hiểu làm thế nào để đưa ra những quyết định cho con đường phía trước, điều sẽ được trình bày trong “sứ điệp gửi đến người dân châu Á và tài liệu cuối cùng, một kế hoạch mục vụ cho Giáo hội ở châu Á”.

Các vấn đề nhân quyền

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về nội dung các buổi gặp gỡ, Đức Hồng Y Gracias nói rõ rằng các cuộc thảo luận liên quan đến “nhiệm vụ của Giáo hội đối với hoạt động bảo vệ nhân quyền, công lý, hoà giải, Giáo hội cần phải là người xây dựng cầu nối”.

Cụ thể về các vấn đề nhân quyền, Đức Hồng Y cho biết các Giám mục đang thảo luận làm thế nào để các vị mục tử có thể giải quyết các vấn đề này để châu Á trở thành nơi các giá trị của Tin Mừng được chiếu toả. Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Đây là sứ vụ của chúng tôi, đây là nhiệm vụ của chúng tôi”.

Chia sẻ với các khu vực khác

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ cũng giải thích rằng Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã được truyền cảm hứng từ Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh trong việc tổ chức Đại hội cử hành 50 năm thành lập. Ngoài ra, các Giám mục châu Á còn liên hệ với các Hội đồng Giám mục khác để tạo ra sự trao đổi và hiệp lực cho những vấn đề tương tự mà các Giám mục đều quan tâm.

Đóng góp của Giáo hội ở châu Á

Về những đóng góp đặc biệt mà Giáo hội ở châu Á có thể thực hiện cho Giáo hội ở các quốc gia khác, Đức Hồng Y Bo liệt kê một số giá trị châu Á có thể được chia sẻ là gia đình, tâm linh, kính trọng người lớn tuổi và cha mẹ, hoà bình, chiêm niệm và sự thánh thiêng. Ở châu Á phần lớn người dân có liên hệ với một tôn giáo truyền thống nào đó.

Đức Hồng Y nói thêm rằng Giáo hội ở châu Á là một Giáo hội trẻ, nhưng đã đến lúc Giáo hội phải đóng góp để làm cho Giáo hội rộng lớn hơn. Một điểm cụ thể mà các Giáo hội khác có thể học hỏi là cuộc đối thoại tiên tôn của châu Á. Ngài giải thích: “Chúng tôi có kinh nghiệm bởi vì đối thoại liên tôn không phải là một tuỳ chọn, nhưng là một sự cần thiết”.

Giới trẻ

Khi trả lời câu hỏi liên quan đến việc tiếp cận các thành viên trẻ của Giáo hội, Đức Hồng Y Gracias đã nhắc lại rằng châu Á cũng là một lục địa trẻ về độ tuổi, với phần lớn dân số là người trẻ. Ngài nói: “Chúng tôi ý thức rằng những người trẻ là thành phần quan trọng trong kế hoạch và tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi muốn người trẻ ở bên chúng tôi, những cộng tác viên thực sự. Giáo hội đánh giá cao lòng quảng đại và sự hăm hở của người trẻ khi tham gia vào việc tạo ra những thay đổi. Giới trẻ là một đối tác không thể thiếu trong tất cả những gì chúng tôi thực hiện”.

Về phần Đức Hồng Y Bo, ngài nói: “Chúng tôi đã thảo luận về việc các vị lãnh đạo Giáo hội sẽ phải học cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Để đến được với giới trẻ chúng tôi phải có mặt nơi họ hiện diện”.

Đồng quan điểm này, Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovitvanit, Tổng Giám mục Bangkok và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan nhấn mạnh rằng vào ngày trước đó, các Giám mục đã tham gia các cuộc viếng thăm giáo xứ trực tuyến. Nhiều bài thuyết trình và cầu nguyện buổi sáng đã được thực hiện trực tuyến nhằm thu hút nhiều người quan tâm, đóng góp và cầu nguyện cho Đại hội.

Các Giám mục Trung Quốc

Về câu hỏi liên quan đến sự tham dự của các Giám mục Trung Quốc, Đức Hồng Y Gracias trả lời rằng các Giám mục Trung Quốc được mời tham gia Đại hội nhưng không hiện diện. Lý do vắng mặt của các Giám mục cũng như Đại hội phải hoãn lại hai lần là do đại dịch. Tuy vậy, các Giám mục Trung Quốc có tham gia vào một số hoạt động khác với Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

Châu Á ngày càng có nhiều Hồng y

Đức Hồng Y Gracias trả lời câu hỏi liên quan đến lý do tại sao trong thời gian qua Đức Thánh Cha đã tấn phong nhiều Hồng y cho châu Á. Ngài nói sở dĩ Đức Thánh Cha đã làm như vậy vì hiện nay châu Á đang đóng góp để Giáo hội trở nên rộng lớn hơn. Đức Hồng Y giải thích: “Đức Thánh Cha muốn làm cho Giáo hội trở nên quốc tế hơn và ít tập trung hơn vào châu Âu”. Đức Thánh Cha quan tâm và chú ý đến những người ở ngoại vi, những người nghèo nhất. Người dân châu Á thường bị lãng quên và một số người nghèo nhất thế giới đang sống ở đây”.

Đối diện thách đố bằng lòng trắc ẩn

Đức cha Vergara của Philippines kết thúc buổi họp báo, nói rằng Liên Hội đồng Giám mục Á châu mong muốn đáp lại những thách đố đã xuất hiện bằng lòng trắc ẩn. Ngài nói, lòng trắc ẩn này được thể hiện đặc biệt trong các bí tích mà Giáo hội ban tặng, và qua việc đào tạo đức tin của các tín hữu. Chúa Thánh Thần đang gặp gỡ Giáo hội ở ngã ba đường mà Giáo hội ở châu Á đang đối diện.

Đức cha Vergara tiếp tục: “Có lẽ tại ngã tư đường, chúng ta sẽ được Thánh Thần dẫn dắt để đi trên con đường ít người đi hơn”. Ngài giải thích từ “ngã tư” thôi thúc chúng ta hành trình trên con đường đến thập giá của chính Chúa Giêsu. Rồi chúng ta sẽ giống như Ba Vua, đã chọn một con đường khác để trở về – giống cách Chúa Giêsu đã chọn – thập giá.

Trong những ngày còn lại các Giám mục tham dự cuộc hành hương đến Ayutthaya và tham gia đối thoại với các tôn giáo truyền thống khác. Vào các ngày 27-29 tháng 10, Đại hội công bố Văn kiện cuối cùng và Sứ điệp dành cho các cộng đoàn Công giáo ở châu Á. Ngày 30/10 Đại hội kết thúc với Thánh lễ bế mạc do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha, chủ sự.

Trả lời